Xuất nhập khẩu hàng hóa, sản xuất công nghiệp tăng mạnh
Bộ Tài chính cho biết, xuất nhập khẩu hàng hóa tháng đầu tiên của năm 2024 tăng mạnh, đạt hơn 64 tỷ USD, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là xuất khẩu đạt hơn 33,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 01/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 33,57 tỷ USD, tăng 42%; nhập khẩu ước đạt 30,65 tỷ USD, tăng 33,3%; xuất siêu ước đạt 2,92 tỷ USD. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ tháng 4/2022 (33,26 tỷ USD). Xuất khẩu tăng mạnh nhờ hai nhóm ngành chính là: Nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, tăng lần lượt gần 97% và 38%. Điển hình như với mặt hàng gạo, nửa đầu tháng 01/2024, Việt Nam xuất khẩu 194.074 tấn gạo, kim ngạch đạt 134,57 triệu USD.
Điểm sáng nổi bật khác là sản xuất công nghiệp phục hồi, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương. Cả nước có 13.500 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 24,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 01/2024 ước đạt 524.100 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2023. Điểm đáng chú ý là vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước tháng đầu năm nay ước đạt 31.100 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tháng đầu tiên của năm 2024 tăng mạnh, đạt hơn 64 tỷ USD, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là xuất khẩu đạt hơn 33,6 tỷ USD, tăng 42% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 01/2024 ước đạt 64,22 tỷ USD, tăng 37,7% so với cùng kỳ.
Những dự báo lạc quan về nền kinh tế
Gần đây, các tổ chức quốc tế đã đưa ra nhiều dự báo lạc quan về nền kinh tế Việt Nam năm 2024. Hầu hết các dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế của nước ta sẽ đạt trên 6%. Thậm chí có tổ chức tài chính đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,7%.
Việt Nam khởi đầu năm 2024 một cách "hanh thông" bằng những dấu hiệu phục hồi kinh tế vững vàng khi xuất khẩu tiếp tục phục hồi. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội từ thị trường tiêu dùng trong nước đang phát triển.
Thương mại của Việt Nam tiếp tục trên đà phục hồi. Xuất khẩu tháng 01 tăng với tốc độ kinh ngạc là 42% so với cùng kỳ năm trước nhờ phục hồi ổn định trong xuất khẩu hàng điện tử. Sắp tới, số lượng đặt hàng trước dòng điện thoại Samsung Galaxy S24 mới ở mức cao cũng phần nào giúp tình hình thêm lạc quan. Tuy nhiên, sự lạc quan không chỉ giới hạn trong ngành hàng điện tử. Những ngành hàng đã phải chịu tình cảnh trì trệ trong năm 2023 như: Dệt may, máy móc và đồ gỗ đã bắt đầu tăng trưởng đáng kể trở lại. Dẫu vậy, vẫn cần cẩn trọng trong giai đoạn phục hồi thương mại sơ khởi này.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng nhắc đến những rủi ro liên quan. Trong đó, vấn đề chính cần lưu tâm là nợ của hộ gia đình gia tăng. Mặc dù không có dữ liệu để đo lường ở Việt Nam, HSBC đã ước tính thông qua phân tích báo cáo tài chính của bốn ngân hàng lớn, vốn có thể bao gồm những khoản vay cho hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Trong giai đoạn 2013-2022, nợ của hộ gia đình tăng mạnh từ 28% GDP lên 50% GDP. Đòn bẩy tiêu dùng gia tăng không bền vững có thể tạo ra những rủi ro đáng kể cho ngành ngân hàng Việt Nam cũng như ảnh hưởng đến chi tiêu tiêu dùng trong tương lai do phải cắt thêm thu nhập để trả nợ. Tuy nhiên, điều may mắn là Chính phủ đã triển khai các biện pháp hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và hộ gia đình trong năm 2023, chẳng hạn như: Gia hạn thời gian giảm thuế, cắt giảm lãi suất và gia hạn thời gian trả nợ...
Cũng theo HSBC, Việt Nam vẫn còn dư địa để phát triển dịch vụ tài chính so với các nước khác. Thực tế, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 01 cho thấy sự lạc quan một cách thận trọng nhất định. Điều đáng khích lệ là chỉ số PMI chính cuối cùng cũng trở lại mức trên 50, mặc dù không nhiều, lần đầu tiên trong vòng 5 tháng. Đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tiếp tục gia tăng mạnh, nhưng vẫn chưa đủ để kích thích các doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng. Đặc biệt, tình hình giao hàng bị chậm càng khiến áp lực chi phí của nhà sản xuất tăng lên, nhắc chúng ta không quên rủi ro do gián đoạn Biển Đỏ vẫn còn kéo dài.
Thêm nữa, lạm phát vẫn trong vòng kiểm soát, trong đó lạm phát chính trong tháng 01 giảm nhẹ xuống 3,4% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát năm 2024 của Chính phủ là 4-4,5%, song vẫn còn những rủi ro tăng lạm phát đáng chú ý không thể xem nhẹ. Một nguyên do là Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những biến động trên thị trường hàng hóa thế giới. Bên cạnh năng lượng, giá thực phẩm tiếp tục cần đặt trong tầm ngắm, đặc biệt là do những diễn biến của hiện tượng El Nino ở Đông Nam Á. Giá gạo trong nước của Việt Nam đã tăng cùng với giá gạo thế giới, đẩy lạm phát gạo lên.
“Nhìn chung, tháng 01 thực sự là một khởi đầu "hanh thông" cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam mặc dù cần thận trọng với những rủi ro liên quan” - báo cáo kết luận./.