Các quốc gia châu Á tung gói kính thích cứu nền kinh tế

(BKTO)- Song song với các biện pháp phòng chống dịch bệnh, các quốc gia châu Á tuần này cũng đồng loạt tung ra các gói kích thích nhằm vực dậy nền kinh tế đang suy thoái.



                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm.

   

Singapore công bố gói kích thích kinh tế thứ tư đối phó với đại dịch

Ngày 26/5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore - Heng Swee Keat đã công bố gói kích thích kinh tế thứ tư của nước này dành cho giai đoạn tiếp theo nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.

Gói hỗ trợ có tên “Ngân sách Kiên cường” trị giá 33 tỷ SGD (khoảng 23,5 tỷ USD) sẽ tập trung vào vấn đề việc làm.Gói kích thích kinh tế mới sẽ tiếp tục hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng từ việc đóng cửa biên giới và các biện pháp cách ly xã hội, đồng thời hỗ trợ bổ sung cho các hộ gia đình và những người ở tuyến đầu chống dịch.

Mục tiêu chính của gói kích thích thứ tư là hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi để có thể đảm bảo việc làm cho người lao động, và hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề hoặc tái đào tạo tay nghề nhằm nắm bắt cơ hội hiện tại và trong tương lai.

Chính phủ Singapore cũng sẽ kéo dài việc hỗ trợ thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Chính phủ nước này dự kiến trong tuần tới sẽ trình Quốc hội một dự thảo luật, theo đó yêu cầu người cho thuê miễn chi phí thuê mặt bằng cho các SME bị ảnh hưởng nặng nề trong những tháng qua.

Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, Chính phủ Singapore cũng cung cấp thêm khoản tiền 285 triệu SGD hỗ trợ cho các doanh nghiệp này duy trì các hoạt động khởi nghiệp.

Đối với vấn đề chuyển đổi kỹ thuật số, ông Heng cho biết hơn 500 triệu SGD sẽ được dành để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh kỹ thuật số.

Các cơ quan liên quan sẽ cung cấp khoản hỗ trợ 300 SGD/tháng trong vòng 5 tháng để khuyến khích các chủ cửa hàng tại các trung tâm ăn uống, chợ bình dân, quán cafe và các căng tin… sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Về vấn đề việc làm, Chính phủ Singapore sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về dòng tiền, chi phí hoạt động và cung cấp tín dụng. Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ toàn bộ các doanh nghiệp chi trả thêm một tháng lương (được nhận vào tháng 10/2020) cho người lao động theo mức lương trả trong tháng 8/2020.

Gói “Ngân sách Kiên cường” cũng sẽ hỗ trợ đào tạo tay nghề nhằm tạo ra 40.000 việc làm, 25.000 vị trí thực tập sinh và 30.000 khóa đào tạo tay nghề.

Chính phủ Singapore cũng sẽ thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ công nhanh chóng tuyển dụng người lao động để đáp ứng các nhu cầu dài hạn như giáo dục mầm non, y tế và chăm sóc sức khỏe.

Đáng chú ý, trong gói kích thích kinh tế thứ tư này, Chính phủ Singapore đã tập trung khuyến khích các chủ lao động tuyển dụng thêm nhiều lao động người Singapore.

Đối với những người lao động Singapore từ 40 tuổi trở lên đủ điều kiện, chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 40% chi phí trả lương trong vòng 6 tháng, tối đa lên tới 12.000 SGD, còn với người lao động Singapore dưới 40 tuổi, mức hỗ trợ là 20% cũng trong vòng 6 tháng, tối đa là 6.000 SGD.

Về vấn đề hỗ trợ an sinh xã hội, ông Heng cho hay, để tiếp tục hỗ trợ các hộ gia đình gặp khó khăn, Chính phủ Singapore cũng sẽ dành thêm khoản tiền lên tới 800 triệu SGD. Dự kiến, trên 100.000 cá nhân tự kinh doanh sẽ được nhận khoản hỗ trợ đầu tiên 3.000 SGD trong tuần này.

Ngoài ra, Chính phủ Singapore sẽ hỗ trợ khoản tiền 100 SGD cho mỗi hộ gia đình có ít nhất một công dân Singapore để chi trả chi phí hóa đơn điện, nước sinh hoạt trong tháng 7 và tháng 8/2020.

Một khoản tiền trị giá 13 tỷ SGD cũng được dự phòng để Chính phủ Singapore có thể phản ứng, đối phó nhanh với những diễn biến không lường trước của dịch Covid-19.

Hiện tại, mỗi năm chính phủ nước này đều dành khoảng 3 tỷ SGD làm quỹ dự phòng và quỹ dự phòng phát triển.

Theo ông Heng, với giá trị của gói kích thích kinh tế thứ tư, thâm hụt ngân sách tài khóa 2020 của Singapore đã lên tới 74,3 tỷ SGD (khoảng 15,4% GDP) và là con số lớn nhất kể từ khi Singapore giành độc lập.

Tính tổng cộng 4 gói kích thích kinh tế được công bố đến nay, Chính phủ Singapore đã dành tới 92,9 tỷ SGD, tương đương 19,2% GDP của nước này, để đối phó với tác động của đại dịch Covid-19.

ADB phê duyệt khoản vay 400 triệu USD để hỗ trợ Philippines

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 26/5 cũng đã phê duyệt khoản vay trị giá 400 triệu USD để hỗ trợ các nỗ lực của Chính phủ Philippines nhằm củng cố thị trường vốn trong nước và đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn.

ADB cho hay khoản vay trên sẽ giúp giải quyết các vấn đề chủ chốt vốn đã kiềm chế đà tăng trưởng của thị trường vốn trong nước của Philippines, đặc biệt là các thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp.

Chương trình này cũng tập trung giúp Philippines xây dựng một "cơ sở nhà đầu tư tổ chức" mạnh mẽ - bên sẽ trở thành nguồn tài chính dài hạn bền vững cho các dự án phát triển hạ tầng tại nước này.

Theo ADB, gói cho vay sẽ hỗ trợ Philippines gia tăng chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng công cộng trong nhiều năm tới.

Chương trình phát triển hạ tầng quy mô lớn của Chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte đang hướng tới mục tiêu tăng chi tiêu công cho lĩnh vực này từ mức tương đương 5,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2018 lên 7% vào năm 2022.

Ngoài ra, thông qua phát triển thị trường vốn trong nước, ADB tin tưởng rằng Philippines sẽ có được nguồn vốn để tăng cường hỗ trợ hoạt động đầu tư dài hạn và tạo việc làm chất lượng cao theo hướng bền vững.

Định chế tài chính khu vực này cũng nhấn mạnh gói cho vay trên sẽ hỗ trợ các mục tiêu phát triển của Chính phủ Philippines, bao gồm cả các biện pháp phản ứng của nước này với đại dịch Covid-19.

Khoản vay 400 triệu USD đã đưa tổng giá trị các khoản vay mà ADB đã dành cho Philippines kể từ đầu năm tới nay lên 2,1 tỷ USD.

Theo ADB, gói vay mới nhất này là một phần trong những nỗ lực hỗ trợ kéo dài nhiều thập kỷ qua của ADB đối với lĩnh vực tài chính ở Philippines, bao gồm những biện pháp hỗ trợ nước này tăng cường năng lực quản trị nhà nước và bảo vệ nhà đầu tư sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Nhật Bản sắp tung gói kích thích mới 1.100 tỷ USD hỗ trợ nền kinh tế

Theo dự thảo ngân sách, Chỉnh phủ Nhật Bản ngày 27/5 sẽ soạn thảo gói kích thích mới trị giá 117,1 nghìn tỷ yen (1.100 tỷ USD), bao gồm một khoản chi trực tiếp 33 nghìn tỷ yen nhằm hạn chế tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19.

Theo các quan chức chính phủ, gói kích thích này sẽ bao gồm các biện pháp như tăng chi cho y tế, hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc trả tiền thuê mặt bằng, hỗ trợ những sinh viên bị mất công việc làm thêm và tăng hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị giảm doanh thu.

Một phần gói kích thích trên sẽ được trích từ khoản ngân sách bổ sung thứ hai trị giá 31,91 nghìn tỷ yen của Nhật Bản cho tài khóa 2020-2021 (bắt đầu từ tháng 4/2020). Gói ngân sách bổ sung thứ hai dự kiến được Nội các thông qua trong ngày 27/5.

Chính phủ Nhật Bản sẽ phát hành bổ sung 31,9 nghìn tỷ yen trái phiếu để huy động tài chính cho khoản ngân sách bổ sung nói trên. Trong ngân sách bổ sung thứ hai, chính phủ nước này sẽ dành 10 nghìn tỷ yen dự trữ có thể sử dụng khi cần chi khẩn cấp.

Gói kích thích mới được soạn thảo sau khi Nhật Bản đã tung ra gói kích thích cũng có trị giá 1.100 tỷ USD vào tháng trước, đưa tổng số tiền mà nước này đã chi nhằm ứng phó với tác động của đại dịch lên 234 nghìn tỷ yen, tương đương gần 40% GDP.

Phát biểu tại một cuộc họp của các quan chức chính phủ và các nghị sỹ đảng cầm quyền sáng 27/5, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh Nhật Bản cần bảo vệ doanh nghiệp và việc làm bằng mọi cách đồng thời cũng phải thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm mới của dịch bệnh.

Chính quyền của ông Abe muốn Quốc hội phê chuẩn khoản ngân sách bổ sung thứ hai vào ngày 12/6 tới, trước khi kỳ họp hiện nay kết thúc vào ngày 17/6.

Kinh tế Nhật Bản lần đầu tiên trong bốn năm rưỡi qua đã rơi vào suy thoái trong quý 1/2020. Theo Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Nhật Bản Nishimura Yautoshi, kinh tế nước này sẽ cần sự phục hồi của nhu cầu trong nước để có thể vượt qua những khó khăn nghiêm trọng.
NAM SƠN(Tổng hợp)
Cùng chuyên mục
  • Hơn 1500 trẻ em ở Indonesia mắc Covid-19
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Hơn 140 trẻ em ở Indonesia đã tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2. Số liệu trên được Hiệp hội bác sĩ Indonesia thống kê và công bố hôm qua, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á lo ngại số ca mắc sẽ tăng đột biến vào tuần tới sau kỳ nghỉ lễ Idul Fitri- Lễ hội được mong đợi nhất của những người Hồi giáo ở Indonesia.
  • Con đường sáng trong giai đoạn khó khăn của ngành hàng không thế giới
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO)- Bầu trời trở nên vắng vẻ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, tạo ra một thách thức sống còn cho các hãng hàng không trên thế giới.
  • Suy thoái kinh tế Mỹ sẽ kéo dài đến năm 2021
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Theo Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ Jerome Powell, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ phục hồi rất chậm, thậm chí kéo dài đến cuối năm 2021 mới có thể trở về mức bình thường.
  • WHO cảnh báo về đỉnh dịch Covid-19 lần thứ 2
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra lời cảnh báo việc các nước đang ghi nhận số ca Covid-19 giảm dần có thể đối mặt với “đỉnh dịch thứ 2” nếu dỡ bỏ quá sớm các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
  • Đề xuất gỡ khó cho thu phí tự động không dừng
    4 năm trước Đối ngoại
    (BKTO) - Sau nhiều lần gia hạn tiến độ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT có phương án tổng thể triển khai dự án với mục tiêu cơ bản hoàn thành trong năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Bộ GTVT tập trung vào đề xuất sửa đổi Quyết định 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng về thu phí không dừng làm cơ sở pháp lý tiếp tục thực hiện dự án nêu trên.
Các quốc gia châu Á tung gói kính thích cứu nền kinh tế