Các khoang hành khách của các hãng bay được tận dụng để chở hàng - Nguồn: sưu tầm |
5 hãng hàng không lớn phá sản
Nhận định về tình cảnh bi đát thời gian qua của các hãng hàng không từ lớn đến bé trên thế giới, Tổng giám đốc củaHiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế(IATA) Alexandre de Juniac phải thốt lên rằng: “Đây là thời khắc đen tối nhất của ngành và rất khó thấy ánh mặt trời ở phía trước”.
Máy bay nằm “đắp chiếu”, khách không còn tới sân bay, những dịch vụ đi kèm với hàng không cũng đóng cửa. Chưa hết, họ còn phải chi ra cả tấn chi phí cho việc bảo dưỡng, tìm nơi đậu cho những máy bay nằm không. Tất cả đã phủ một bức màn u ám cho toàn ngành hàng không thế giới.
Trước những cú đánh "trời giáng" từ dịch bệnh, nhiều hãng hàng không gắng gượng "thoi thóp" nhưng cũng có những "nạn nhân" không thể gượng dậy. Tính đến nay, đã có 5hãng hàng không lớn trên thế giới trở thành "nạn nhân" của đại dịch Covid-19 đó là Flybe, Virgin Australia, Avianca Holdings, Thai Airways và LATAM. Những doanh nghiệp này vốn đã chật vật nhiều năm và đến nay sức chịu đựng đã đạt ngưỡng giới hạn khi chịu thêm "cú bồi" chí mạng từ Covid-19. Đây cũng chính là 5 hãng hàng không đầu tiên trên thế giới tuyên bố phá sản, hoặc đang chờ ngày nộp đơn phá sản.
Trong 5 hãng hàng không kể trên, hãng hàng không khu vực lớn nhất châu Âu - Flybe của Anh được nhắc đến là "nạn nhân" đầu tiên của dịch Covid-19 khi tuyên bố phá sản vào ngày 5/3. Tiếp đó, ngày 10/5, Avianca - hãng hàng không của Colombia, hãng hàng không lớn thứ hai của khu vực Mỹ Latinh và cũng là hãng hàng không lâu đời thứ 2 thế giới còn hoạt động, cũng không thoát khỏi bi kịch này. Hãng đã phải đệ đơn phá sản tại Mỹ để được tái cơ cấu khoản nợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Là hãng hàng không quốc gia duy nhất trong 5 hãng bay kể trên, Thai Airways được thành lập năm 1960, là hãng hàng không lớn nhất ở Thái Lan, sở hữu 103 máy bay và 74 điểm đến trong và ngoài nước. Thai Airways nắm giữ một vị trí khá cao trong lòng khách hàng và nằm trong top 10 hãng hàng không tốt nhất thế giới (Theo bảng xếp hạng World Airlines Awards 2018 của Skytrax).
Chính phủ Thái Lan ngày 19/5 quyết định Thai Airways International sẽ nộp đơn phá sản tại Tòa Phá sản Trung ương nhằm tìm kế hoạch khôi phục hãng hàng không quốc gia đang thua lỗ này.Trong nửa đầu năm nay, hãng hàng không này dự kiến sẽ ghi nhận khoản lỗ 18 tỉ baht (khoảng 560 triệu USD) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trướcThai Airways,ngày 21/4, Virgin Australia Holdings - hãng hàng không lớn thứ 2 của Úc, cũng đã sụp đổ và trao quyền tiếp quản cho công ty kiểm toán Deloitte.
Giống với số phận củaAvianca,hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh - LATAM cũng vừa đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ sau khi hoạt động kinh doanh của hãng sụt giảm mạnh và trở thành "nạn nhân" mới nhất của cuộc khủng hoảng này. Trong một tuyên bố qua video, Giám đốc điều hành LATAM, Roberto Alvo nêu rõ dịch Covid-19 đã gây khủng hoảng đối với ngành vận tải hàng không thế giới, khiến LATAM buộc phải đưa ra một loạt quyết định khó khăn trong những tháng qua.
Giám đốc điều hành LATAM cho biết "tập đoàn hàng không LATAM và các chi nhánh tại Chile, Peru, Ecuador và Colombia đã bước vào tiến trình tái cơ cấu tự nguyện theo Điều khoản 11 bảo hộ phá sản tại Mỹ". Điều khoản này cho phép một doanh nghiệp không có khả năng thanh toán các khoản nợ được tái cơ cấu mà không phải chịu sức ép từ các chủ nợ.
Con đường sáng trong giai đoạn khó khăn
Trước những ảnh hưởng khủng khiếp của dịch bệnh đến ngành hàng không thế giới, để tồn tại, nhiều hãng hàng không phải tạm xoay sang hướng mới, đó là vận chuyển hàng hóa thay vì vận chuyển hành khách.
Chuyến bay mới đây của hãng Virgin Atlantic tới London (Anh) đầy chặt các khoang hành khách, chỉ có điều đó là các kiện hàng chứ không phải khách như thường lệ.
Đó cũng là một trong 9 chuyến bay chở các trang thiết bị y tế gồm máy thở, khẩu trang, găng tay và các vật dụng y tế khác mà hãng chuyên chở qua lại giữa Thượng Hải (Trung Quốc) và London.
Báo New York Times số ra ngày 25/5 cho biết trong lịch sử hàng không, chưa bao giờ máy bay chỉ dùng để chở hàng như tình trạng xảy ra trong thời đại dịch Covid-19.
Khi hàng nghìn chuyến bay phải hủy thì vận chuyển hàng hóa cũng trở nên khó khăn và giá gửi hàng bằng đường hàng không tăng vọt khiến các hãng buộc phải nghĩ tới việc chuyển đổi tạm thời các khoang chở khách trống thành khoang chở hàng.
Ông Dominic Kennedy - phụ trách vận chuyển hàng hóa hàng không của hãng Virgin Atlantic, cho biết chuyên chở hàng hiện nay giúp hãng cầm cự với tình hình khó khăn và chờ cơ hội hoạt động trở lại bình thường. Hiện mỗi tuần hãng Virgin bay 90 chuyến chở hàng.
Hãng Virgin không phải là hãng hàng không duy nhất phải tìm cách tồn tại bằng việc duy trì chở hàng trong các khoang máy bay chở khách. Nhiều hãng hàng không ở Mỹ cũng đã triển khai hướng này.
Một 1 trong 3 hãng hàng không lớn nhất của Mỹ bắt đầu chuyển sang chở hàng kể từ tháng 3. American Airlines chưa bao giờ thiếu khách đến mức chỉ chở hàng trong suốt hơn 30 năm hoạt động nhưng giờ cũng phải bay 140 chuyến chở hàng mỗi tuần.
Hãng hàng không Lufthansa của Đức cũng nắm bắt cơ hội và chuyển đổi dòng máy bay chở khách Airbus A330 sang chở hàng. Trong tháng 4, hãng đã bay nhiều chuyến chở trang thiết bị y tế từ Trung Quốc tới Frankfurt (Đức).
Hàng hóa mà các cá nhân và doanh nghiệp muốn vận chuyển bằng đường hàng không cũng thay đổi tùy theo mùa nhưng phần lớn đó là hàng đắt tiền, dễ hỏng hoặc vừa dễ vỡ và đắt tiền như điện thoại thông minh, phụ tùng ô tô, hải sản, thuốc men, thư tín và hàng thời trang cao cấp. Thế nhưng phần lớn hàng vận chuyển qua đường hàng không những tháng gần đây chủ yếu là trang thiết bị y tế.
Trước khi đại dịch xảy ra, khoảng một nửa hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không do các hãng như UPS, FedEx và DHL thầu. Một nửa còn lại là hành lý của khách đi máy bay. Tuy nhiên lúc này không phải thời điểm mọi thứ diễn ra bình thường.
Theo số liệu của IATA, hầu hết các chuyến bay bị hủy hồi tháng 3 đã khiến khả năng vận chuyển hàng qua đường hàng không giảm gần 23% trong khi nhu cầu vận chuyển qua đường hàng không chỉ giảm 15%.
Theo số liệu của WorldACD, cơ quan nghiên cứu dữ hiệu vận tải hàng hóa của 70 hãng hàng không, giá trung bình để vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là 3,63 USD/1kg hồi tháng 4, tăng 65% so với tháng 3. Đây là mức giá cao nhất và tăng nhanh nhất trong một tháng kể từ năm 2008.
Giá vận tải hàng hóa chuyên chở từ châu Á cũng tăng vọt do nhu cầu về trang thiết bị y tế sản xuất tại các nhà máy tại đây. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi lại thì nhu cầu hàng hóa cũng sẽ giảm nhanh và giá vận chuyển bằng đường hàng không cũng sẽ giảm.
Trước mắt các hãng hàng không vẫn sẽ chở hàng và IATA kêu gọi các chính phủ hỗ trợ ngành hàng không bằng cách đẩy nhanh tiến độ thông quan cho các chuyến bay chở hàng, miễn trừ cách ly cho phi hành đoàn cũng như giúp các hãng tìm kho tạm chứa hàng tại điểm đến và có chỗ cho phi hành đoàn nghỉ tạm.
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia kinh tế đã nhận định: Trong giai đoạn đen tối đang phủ lên ngành hàng không thế giới, biện pháp này được coi là con đường sáng - ít nhất trong thời điểm hiện tại - cho các hãng bay vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
NAM SƠN (Tổng hợp)