Các quốc gia quy định như thế nào về đối tượng, đơn vị được kiểm toán và các bên có liên quan?

(BKTO) - Để phục vụ mục đích kiểm toán, phạm vi kiểm toán của KTNN một số quốc gia trên thế giới không chỉ giới hạn trong các đơn vị được kiểm toán mà còn mở rộng tới các bên có liên quan và có quyền rất lớn trong việc tiếp cận các thông tin cần thiết.



Nguyên tắc xác định thẩm quyền của KTNN đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán đã được quy định tại Tuyên bố Lima năm 1977. Theo đó, Điều 10 - Quyền điều tra quy định: “KTNN phải có quyền truy cập toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến quản lý tài chính và phải có quyền yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản, bằng miệng hoặc bất kỳ thông tin nào mà KTNN cho là cần thiết”. “Luật hoặc KTNN (đối với từng trường hợp riêng) sẽ đặt ra giới hạn thời gian để cung cấp thông tin hoặc gửi hồ sơ tài liệu bao gồm các báo cáo tài chính cho KTNN”.

KTNN trong Liên minh châu Âu có thể mở rộng đối tượng kiểm toán ở mức rất cao

Tất cả 29 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các thỏa thuận nhằm đảm bảo việc chi tiêu công ở các quốc gia phải có tính trách nhiệm, minh bạch và được giám sát mạnh mẽ. Đây là nguyên tắc để các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) tại châu Âu, với tư cách là cơ quan ngoại kiểm thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình.

Các SAI thuộc EU đều có điểm chung, đó là thực hiện việc điều tra độc lập và đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả, tính kinh tế của việc chi tiêu công và thu NSNN. Các SAI thể hiện sự ủng hộ chức năng giám sát của Quốc hội đối với các hoạt động do Chính phủ thực hiện, đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước cải thiện chính sách, nền hành chính công và việc quản lý tài chính tại đơn vị được kiểm toán. Bên cạnh việc thúc đẩy, phát triển trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong Chính phủ, các SAI của EU cũng đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực kiểm toán công của các nước thứ ba.

Tại Đức, KTNN kiểm tra sự tham gia của Chính phủ Liên bang vào các DN tư nhân có lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp và các hợp tác xã thương mại hoặc công nghiệp mà Chính phủ Liên bang là thành viên góp vốn. KTNN Đức cũng có thể kiểm tra việc quản lý tài chính của các đơn vị tư nhân được nhận tài trợ hoặc bảo lãnh. Các cuộc kiểm toán của KTNN Đức còn đánh giá tính hợp lý trong việc quản lý và sử dụng vốn của nhà nước. Đối với các khoản tài trợ từ NSNN, có thể mở rộng phạm vi kiểm toán sang việc kiểm toán các nguồn lực của người nhận.

Điều 28 Luật KTNN của Hungary quy định khách thể kiểm toán phải có trách nhiệm cộng tác với KTNN trong việc cung cấp dữ liệu và tài liệu kịp thời (không quá 5 ngày làm việc kể từ khi được yêu cầu) nhằm giúp KTNN lập kế hoạch, xác định và kiểm tra; đồng thời để kiểm toán viên nhà nước tiếp cận cơ sở vật chất, kiểm tra hệ thống dữ liệu trên giấy và trên phương tiện điện tử (bao gồm cả quyền copy dữ liệu). Nếu khách thể kiểm toán không thực hiện trách nhiệm cộng tác mà không có lý do chính đáng, KTNN có thể áp dụng các quy định cứng nhắc với hành vi không tuân thủ. Theo Điều 33, khoản 3: Nếu người đứng đầu khách thể kiểm toán không đệ trình kế hoạch hành động đúng thời hạn, hay đệ trình một kế hoạch hành động không chấp nhận được, Tổng KTNN Hungary có thể khởi tố hình sự hay đưa ra biện pháp kỷ luật đối với người đứng đầu khách thể kiểm toán; đề xuất cơ quan có thẩm quyền ngừng các khoản trợ cấp đối với khách thể kiểm toán từ hệ thống tài chính công và có thể quy định khoản đặt cọc (phạt) với mức 1% thuế thu nhập cá nhân.

Nhiều cơ quan KTNN cóthẩm quyền rất lớn trong việc tiếp cận thông tin

Xuất phát từ việc xác định đối tượng kiểm toán, Luật KTNN tại nhiều quốc gia cũng quy định thẩm quyền của KTNN trong việc tiếp cận đơn vị được kiểm toán và các bên có liên quan. Ví dụ: Điều 7 Luật KTNN Malaysia về quyền hạn của KTNN quy định: KTNN có thể yêu cầu bất kỳ người nào giải thích về thông tin mà Tổng KTNN yêu cầu; tìm kiếm thông tin từ hồ sơ, tài liệu trong bất kỳ văn phòng nhà nước có liên quan đến cuộc kiểm toán (không phải trả phí); có quyền truy cập vào tất cả các hồ sơ, sổ sách, chứng từ, giấy tờ có giá hoặc tài sản khác cho cuộc kiểm toán; có thể kiểm tra sự chứng thực của các cá nhân phục vụ cho công tác kiểm toán. Bên liên quan sẽ bị ràng buộc về nghĩa vụ pháp lý để cung cấp thông tin.

Theo Luật KTNN của Thái Lan, KTNN có quyền kiểm tra tiền và các tài sản khác, sổ sách, tài liệu và các bằng chứng khác thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán; có quyền triệu tập cá nhân hay đại diện đơn vị được kiểm toán để phỏng vấn hoặc tiếp nhận các báo cáo tài chính, sổ sách, tài liệu hoặc bằng chứng kiểm toán của đơn vị đó hoặc do đơn vị đó nắm giữ; có quyền giữ tiền và tài sản, sổ sách, hồ sơ hoặc các bằng chứng thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán; có quyền triệu tập cá nhân để chứng thực việc kiểm tra tiền và các tài sản khác, sổ sách, tài liệu và các bằng chứng khác thuộc trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán… Ngoài ra, Luật KTNN Thái Lan còn cho phép kiểm toán viên có quyền đến bất kỳ địa điểm nào trong giờ làm việc để kiểm tra, tìm kiếm, nắm bắt hoặc giữ các báo cáo tài chính, sổ sách, hồ sơ hoặc bằng chứng hoặc thu giữ những tài sản liên quan hoặc được cho là có liên quan đến đơn vị được kiểm toán trong trường hợp cần thiết.

Tại Bỉ, Luật KTNN quy định: Để thực hiện các cuộc kiểm toán liên quan đến việc quản lý ngân sách của các cơ quan nhà nước, KTNN có quyền yêu cầu các cơ quan này cung cấp bất cứ tài liệu và thông tin cần thiết phục vụ mục đích kiểm toán. Các cơ quan có trách nhiệm liên quan đến cuộc kiểm toán được yêu cầu cung cấp thông tin trong vòng một tháng, KTNN có thể gia hạn thời gian này.

KTNN Ấn Độ có quyền yêu cầu bất kỳ báo cáo, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến cơ sở hình thành các giao dịch mà trong quá trình thực hiện kiểm toán cần phải bổ sung. Theo các quy định về kiểm toán và kế toán, KTNN Ấn Độ có quyền mở rộng phạm vi kiểm toán không giới hạn nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm toán đã đề ra.

Theo Hiến pháp của Nhà nước Cộng hòa Síp, Văn phòng Kiểm toán quốc gia này được quyền kiểm toán tất cả các khoản thu - chi của khu vực công và các vấn đề liên quan đến việc quản lý tiền và tài sản thuộc sở hữu công, đồng thời không gặp phải giới hạn nào trong phạm vi kiểm toán và có quyền truy cập vào tất cả hồ sơ nếu thấy cần thiết để thực hiện công việc kiểm toán.

(Theo tài liệu của Nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Trường Đại học Điện lực)

MINH ANH
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 06-6-2019
Cùng chuyên mục
Các quốc gia quy định như thế nào về đối tượng, đơn vị được kiểm toán và các bên có liên quan?