Khẳng định vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước

(BKTO) - Tại Hội thảo "Kiểm toán Nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước” do KTNN tổ chức ngày 6/6, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận sôi nổi, làm sáng tỏ vai trò của KTNN thông qua những kết quả đạt được trong 25 năm qua, cũng như những vấn đề đặt ra đối với KTNN trong giai đoạn hiện nay, nhằm xây dựng KTNN ngày càng phát triển, xứng tầm là một thiết chế hiến định độc lập.



                
   

Quang cảnh Hội thảo- Ảnh: LÊ HÒA

   

Hoạt động kiểm toán góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý kinh tế tài chính

Các đại biểu khẳng định, với vị trí là cơ quan hiến định độc lập, kết quả hoạt động của KTNN đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động quản lý kinh tế tài chính; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Kết quả kiểm toán cũng góp phần tích cực vào việc phòng ngừa tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong các cơ quan, đơn vị được kiểm toán. Những kết quả kiểm toán trên đã góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng, KTNN có vai trò quan trọng trong kế hoạch giám sát của Quốc hội, đặc biệt là giám sát về tài chính, NSNN. KTNN đóng vai trò quan trọng, giúp Quốc hội giám sát tối cao, đảm bảo minh bạch trong quản trị quốc gia, góp phần đảm bảo tính dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

                
   

Ong Bùi Đặng Dũng phát biểu tại Hôi thảo - Ảnh: LÊ HÒA

   

PGS, TS. Huỳnh Thành Đạt- Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thông qua kiểm toán, KTNN phát hiện những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng NSNN, từ đó đưa ra các kiến nghị để các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính và minh bạch việc sử dụng ngân sách. KTNN không chỉ góp phần quản lý chặt chẽ các khoản chi tiêu công chống tham ô, lãng phí, thất thoát, mà quan trọng hơn phải làm cho đồng tiền thuế của nhân dân được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả cao.

Từ góc độ địa phương, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Nguyễn Xuân Sơn cho rằng, hoạt động của KTNN trên địa bàn tỉnh đóng vai trò rất lớn đối với hoạt động giám sát nói riêng và thực hiện các chức năng nhiệm vụ của HĐND các cấp nói chung. Kết quả hoạt động kiểm toán là cơ sở hết sức quan trọng trong việc thực hiện chức năng giám sát của HĐND; đồng thời, thông qua việc tham gia phối hợp hoạt động KTNN đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và vị thế của HĐND các cấp. Từ đó góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế- xã hội của tỉnh cũng như xây dựng nền tài chính công phát triển tích cực, ổn định, lành mạnh và hiệu quả.

Các đại biểu đánh giá, trong quá trình xây dựng và phát triển, hoạt động KTNN đã không ngừng được đổi mới, nâng cao chất lượng toàn diện cả về năng lực, hiệu lực và hiệu quả. Kế hoạch kiểm toán hàng năm đã được thực hiện đúng mục tiêu, nội dung kiểm toán và tiến độ đề ra; tập trung vào những vấn đề được Quốc hội, Chính phủ và xã hội đặc biệt quan tâm, các lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng như: đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản, các dự án BT, BOT, hệ thống ngân hàng thương mại. Kết quả kiểm toán luôn được các đại biểu Quốc hội và nhân dân tin tưởng, ủng hộ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các ý kiến tại Hội thảo cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong công tác kiểm toán như: một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, nghiêm minh và kịp thời. Việc khai thác, sử dụng kết quả kiểm toán phục vụ cho công tác điều hành, kiểm tra, giám sát vẫn còn hạn chế. Cơ chế phối hợp công tác giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát chưa thật hiệu quả, đôi khi còn trùng lặp, chồng chéo. Ngoài ra, kết quả kiểm toán liên quan đến phát hiện những hành vi tham nhũng, lãng phí ngân sách, tiền và tài sản nhà nước còn hạn chế.

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trên, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm của KTNN, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm toán để KTNN xứng đáng là công cụ đắc lực của Đảng và Nhà nước, góp phần vào vì một nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững.

Theo đó, KTNN cần bám sát định hướng chiến lược của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế- xã hội, các giải pháp, chính sách tài khóa, tiền tệ trong quản lý, điều hành của Chính phủ ở từng thời kỳ; các vấn đề đang được Quốc hội và dư luận xã hội quan tâm để xác định mục tiêu, trọng tâm kiểm toán dài hạn, trung hạn và hàng năm nhằm cung cấp thông tin xác thực, thích hợp và kịp thời phục vụ công tác quản lý, điều hành, giám sát tài chính, tài sản công.

Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động kiểm toán, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật KTNN 2015; đồng thời, cần thường xuyên chú trọng tạo dựng và hoàn thiện khuôn khổ nghề nghiệp, các chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ cho tổ chức và hoạt động kiểm toán.
                
   

Ông Nguyễn Quốc Văn phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: LÊ HÒA

   

TS. Nguyễn Quốc Văn- Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hướng coi KTNN là một thiết chế hữu hiệu trong kiểm soát quyền lực. Theo đó, cần mở rộng đối tượng kiểm toán sang cả khu vực tư như các DN tư nhân, các chủ thể xã hội khác nếu họ đã và đang sử dụng nguồn lực nhà nước; đồng thời nâng cao thẩm quyền của KTNN trong xử phạt vi phạm hành chính, tăng thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật...

Các đại biểu cũng đặt ra yêu cầu, trong tổ chức và hoạt động KTNN phải công khai, minh bạch, hiệu quả, chuyên nghiệp, chính quy; chú trọng đổi mới toàn diện nội dung và phương pháp kiểm toán theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa quy trình, phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán.

Đồng thời, KTNN cần có những bước đi tích cực, thiết thực trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, kiểm toán viên nhà nước đảm bảo có đủ năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, hoạt động chuyên nghiệp và hiện đại; không ngừng đổi mới và cải tiến hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; đảm bảo tính độc lập, khách quan trong hoạt động của kiểm toán viên... Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, văn hóa ứng xử và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nhà nước.

KTNN cũng cần chủ động, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan của Quốc hội; các Bộ, ngành, địa phương cũng như với từng đơn vị được kiểm toán, đặc biệt là tăng cường sự phối hợp giữa KTNN, Thanh tra chính phủ và các cơ quan khác có chức năng thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhằm tiết kiệm thời gian, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán, thanh tra cũng như giảm bớt phiền hà cho các đơn vị được thanh, kiểm tra; nâng tầm các kết luận, kiến nghị thực sự có chất lượng tương xứng với địa vị pháp lý của KTNN, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
                
   

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu bế mạc Hội thảo- Ảnh: LÊ HÒA

   

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nêu rõ: Các ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo sẽ được lãnh đạo KTNN nghiên cứu, tiếp thu tối đa để KTNN có nhiều đổi mới, sáng tạo và khoa học, xây dựng các giải pháp hữu hiệu, đạt được nhiều thành tựu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó, nhằm đáp ứng tốt hơn với những kỳ vọng, niềm tin và sự mong đợi của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân.

HỒNG - HÒA
Cùng chuyên mục
Khẳng định vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước