Các quốc gia sẽ phải vật lộn với mức nợ cao trong nhiều năm

(BKTO) - Theo Viện Tài chính quốc tế (IIF), năm 2020, các DN và chính phủ đã vay gần 19,5 nghìn tỷ USD, đưa tổng số nợ của thế giới lên hơn 281 nghìn tỷ USD. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đã cảnh báo những di chứng đối với hệ thống tài chính toàn cầu nếu các lỗ hổng hiện tại không được giải quyết nhanh chóng.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN

   

Vào giữa năm 2021, tổng nợ thế giới đã giảm nhẹ so với mức đỉnh, nhưng dữ liệu của IIF vẫn cho thấy nợ ở mức trên 280 nghìn tỷ USD. Khi đại dịch chưa có dấu hiệu chấm dứt, khoản nợ sẽ tiếp tục ở mức cao trong tương lai gần. Trong báo cáo Ổn định tài chính toàn cầu (4/2021), IMF cảnh báo về nhu cầu cấp bách phải hành động để tránh di chứng của các lỗ hổng.

Đặc biệt, IMF cho rằng các nhà hoạch định chính sách quốc gia nên sớm hành động, bởi nếu không được "giải quyết khẩn cấp", các lỗ hổng tài chính có thể phát triển thành vấn đề cấu trúc đè nặng lên tăng trưởng hoặc tệ hơn là giảm khả năng phục hồi của hệ thống tài chính toàn cầu.

“Khu vực DN toàn cầu đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Chính sách hỗ trợ đột xuất đã giúp giảm thiểu tác động của nó. Nhưng đòn bẩy DN tích tụ do các điều kiện tài chính dễ dàng đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho các nhà hoạch định chính sách”- IMF đánh giá.

Ở các mức độ khác nhau, các quốc gia có thể sẽ phải vật lộn với mức nợ cao hơn trong nhiều năm. Các quốc gia phát triển có năng lực kinh tế mạnh hơn và có nhiều đòn bẩy chính sách hơn để giảm mức nợ của họ. Ngược lại, các quốc gia nghèo hơn lại phải tăng cường vay nợ để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 kéo dài và có khả năng khó khắc phục hơn.

IMF cho rằng, các nền kinh tế có khả năng tiếp cận thị trường nên tận dụng các điều kiện tài chính thuận lợi để cải thiện cơ cấu nợ của mình. Các quốc gia có khả năng tiếp cận thị trường hạn chế sẽ cần thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế.

Cùng với đó, các quốc gia khác đang gặp khó khăn đáng kể với gánh nặng nợ có thể được hưởng lợi từ việc tái cơ cấu sâu hơn. Với lãi suất ở mức thấp trong lịch sử, chi phí trả nợ đã giảm mạnh và nhiều quốc gia có khả năng vẫn quản lý được nợ trong trung hạn.

Tuy nhiên, khi tốc độ phục hồi kinh tế nhanh chóng, các ngân hàng trung ương có thể cần phải sử dụng đến việc nâng lãi suất như một biện pháp để giữ mức lạm phát trong tầm kiểm soát. Trên thực tế, kỳ vọng về việc tăng lãi suất ở các nền kinh tế phát triển trong 2-3 năm tới đang tăng lên, mặc dù các chính phủ sẽ thực hiện rất cẩn thận với lãi suất để tránh làn sóng vỡ nợ mới.

Cơ quan xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings lưu ý rằng, trong khi sự phục hồi liên tục của nền kinh tế toàn cầu có khả năng ngăn chặn khủng hoảng nợ trong ngắn hạn, đòn bẩy toàn cầu cao hơn dẫn đến rủi ro vỡ nợ cao hơn. Đương nhiên, khả năng phục hồi sau đại dịch sẽ phụ thuộc vào mức độ nhanh chóng của các chính phủ, DN và hộ gia đình trong việc cắt giảm nợ, nếu có./.
         
IMF đã cung cấp khoảng 250 tỷ USD (339 tỷ đô la Úc) cho các nước thành viên, bằng 1/4 khả năng cho vay trị giá 1 nghìn tỷ USD của tổ chức này. Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới đã tài trợ tới 160 tỷ USD dành cho các nước đang phát triển có nguồn tài chính hạn chế để ứng phó với Covid-19. Ngân hàng Thế giới cũng đã cam kết hơn 26 tỷ USD như một phần của Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ các nền kinh tế G-20 nhằm cho phép các nước nghèo nhất thế giới tạm ngừng trả nợ tín dụng song phương chính thức.
THÙY LÊ (tổng hợp)



Cùng chuyên mục
Các quốc gia sẽ phải vật lộn với mức nợ cao trong nhiều năm