Ảnh minh họa - Nguồn: internet. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Lợi - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, trong những tháng gần đây, mặt hàng thịt lợn trên thị trường diễn biến phức tạp cả về nguồn cung lẫn giá cả, giá liên tục tăng. Tính đến nay, do ảnh hưởng dịch lợn tả châu Phi, giá lợn hơi tăng vọt, còn giá bán lẻ tăng từ 30-40% so với 3 tháng trước.
Ngoài ra, sức mua trên thị trường giảm và chỉ đạt 50-60% so với quý II/2019. "Trong 3 tháng nay, tình hình thịt lợn nhập lậu từ Campuchia và Thái Lan qua biên giới Tây Nam Bộ đang “nóng” và diễn ra ở nhiều các tỉnh, thành. Đối tượng nhập lậu theo phương thức tinh vi, với số lượng ít và tập kết giết mổ tại nhà dân; còn không đưa qua biên giới được thì giết mổ tại biên giới và vận chuyển trong đêm vào tiêu thụ tại thị trường Việt Nam", ông Phan Lợi cho hay.
TP. HCM là địa phương tiêu thụ thịt lợn lớn nhất ở khu vực phía nam, bình quân mỗi ngày khoảng 10 nghìn con lợn được tiêu thụ. Sở Công thương TP. HCM cho biết, đang phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị nguồn hàng của các doanh nghiệp bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo như: Vissan, CP Việt Nam, San Hà, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn…; làm việc với 2 chợ đầu mối thịt heo (Bình Điền, Hóc Môn), Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai nhằm đảm bảo bình ổn cung cầu mặt hàng thịt heo từ nay đến Tết Canh Tý 2020.
Theo đánh giá của Sở Công thương TP. HCM, hiện tại giá heo hơi tại khu vực phía Nam dao động khoảng trên dưới 80.000 đồng/kg; tăng gấp đôi so với đầu tháng 9/2019. Heo nhiễm bệnh bị buộc tiêu hủy, các vùng nuôi nhiễm dịch bị hạn chế tái đàn là 2 nguyên nhân chính làm tổng đàn heo cả nước giảm khoảng 30% so với năm 2018. Trong đó, riêng tỉnh Đồng Nai giảm 52,4% so với thời điểm tháng 4/2019, hiện duy trì ở mức 1.285.628 con. Ngoài ra, chi phí chống dịch tăng, làm chi phí chăn nuôi tăng cũng là một nguyên nhân trực tiếp làm giá heo hơi tăng.
Một trong số những nguyên nhân làm tăng giá thịt heo trong đợt ảnh hưởng của dịch tả heo châu Phi do hoạt động chăn nuôi heo của các hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề, đàn heo giảm mạnh. Hoạt động chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn được tổ chức tốt, thiệt hại ít hơn nên vẫn duy trì sản lượng (hoặc chỉ giảm nhẹ), nhờ đó gia tăng thị phần. Tuy nhiên, do không được hỗ trợ thiệt hại khi heo bị nhiễm bệnh, buộc tiêu hủy như các hộ gia đình; các doanh nghiệp chăn nuôi cộng phần thiệt hại này vào cơ cấu chi phí chăn nuôi, góp phần nâng giá bán ra.
Cũng theo đánh giá của Sở Công thương TP. HCM, tổng sản lượng tiêu thụ toàn thị trường giảm khoảng 20%, trong đó kênh phân phối hiện đại sức mua giảm nhẹ, kênh chợ truyền thống giảm mạnh (khoảng 30%), nguyên nhân do tâm lý người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh, ngại mua kênh chợ truyền thống. Riêng sản lượng tiêu thụ tại hệ thống điểm bán hàng bình ổn thị trường như Saigon Co.op, Satra, Vissan… tăng do giá cả ổn định, đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng như thịt gia cầm, rau củ quả… tăng 10 - 15% do là sản phẩm thay thế thịt heo, giá ổn định.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang – Phó giám đốc Sở Công Thương TP. HCM cho biết, Công ty cổ phần Ba Huân, San Hà… cam kết tăng cường trên 30% sản lượng thịt gà và những sản phẩm thay thế cho thịt lợn, nhằm góp phần bình ổn thị trường. Ngoài ra, những doanh nghiệp chủ lực trong ngành gia súc, gia cầm nói riêng và các ngành thực phẩm nói chung cũng đã và đang khẩn trương chuẩn bị, dự trữ, cung ứng hàng hóa phục vụ cũng như bình ổn thị trường Tết.
Với diễn biến "nóng" của tình hình thịt lợn, TP. HCM cần sự hỗ trợ cung cấp thông tin, biến động nguồn cung và nguyên nhân thị trường khan hiếm. Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, sản lượng thịt lợn đông lạnh nhập khẩu tại TP. HCM dự báo có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường; cùng với đó là những doanh nghiệp chủ lực công ty San Hà, Vissan…Vì vậy, các địa phương cần tính đến sức mua của thị trường và khả năng cung cứng của địa phương để thực hiện tốt việc bình ổn thị trường. Từ đó, địa phương có giải pháp kịp thời để đảm bảo cân đối cung – cầu, đáp ứng dủ nhu cầu thị trường tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 và thời gian tiếp theo.
Để ổn định, bảo đảm cung-cầu mặt hàng thịt lợn, Sở Công thương TP. HCM cũng đã kiến nghị UBND thành phố có văn bản kiến nghị các cơ quan, đơn vị có chính sách tăng cường nhập khẩu thịt lợn, đồng thời có chính sách hỗ trợ giảm hoặc miễn thuế suất… đối với mặt hàng thịt lợn nhập khẩu trong bối cảnh hiện nay.
NAM SƠN (Tổng hợp)