Ngay từ tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong một thời gian rất vắn, chúng ta đã phá tan chế độ quân chủ chuyên chế mấy nghìn năm nay. Chúng ta đã đánh đổ cái nền thống trị của hai đế quốc chủ nghĩa Pháp và Nhật. Chúng ta đã lập nên một chính thể Dân chủ Cộng hòa. Đó là một cuộc thắng lợi xưa nay chưa từng thấy trong lịch sử nước ta”.
Tháng 9/1960, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng đánh giá: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Dư luận quốc tế cũng đánh giá rất cao ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam. Nhiều nhà lãnh đạo, nhà sử học, nhà báo có uy tín trên thế giới cũng đưa ra nhận định, đánh giá sâu sắc. Tiêu biểu như nhà sử học, nhà báo nổi tiếng người Nga, E. Cô-bê-lép từng viết: “Cách mạng Tháng Tám có quyền đi vào lịch sử của phong trào cách mạng thế giới như một trong những mẫu mực tuyệt vời về nghệ thuật cách mạng và sáng tạo cách mạng của quần chúng nhân dân do Đảng Mác-xit Lê-nin-nít lãnh đạo”.
Trong khi đó, các thế lực thù địch, thế lực xấu ra sức chống phá, xuyên tạc, phủ nhận, hạ thấp ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám. Chúng cho rằng: Cách mạng Tháng Tám là sự “ăn may”, là “quả ngọt trời cho”, Việt Nam “không cần khởi nghĩa” thì cũng sẽ có được độc lập. Từ đó, chúng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Thậm chí chúng còn trắng trợn xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo: Nếu không có Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, không có Cách mạng Tháng Tám, không có ngày 02/9 và 9 năm kháng chiến thì dân tộc Việt Nam đã tránh được cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn đẫm máu” 1954-1975… Chúng còn đổ tội cho Đảng và cho Cách mạng Tháng Tám là nguyên nhân làm cho đất nước kém phát triển, nhân dân đói khổ…
Nhưng thực tiễn lịch sử Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn sự xuyên tạc, chống phá sai trái, thâm độc và thất bại trên đây của các thế lực thù địch, thế lực xấu.
Để thoát khỏi sự đô hộ của thực dân Pháp, có được tự do, độc lập, Việt Nam phải làm cách mạng - một cuộc cách mạng long trời, lở đất, phải có sự lãnh đạo của chính Đảng Cộng sản, phải huy động được sức mạnh toàn dân, sức mạnh của cả dân tộc, phải biết tạo và chớp thời cơ, tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi… để giành thắng lợi.
Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã sớm tiên đoán rằng: “Dù thực dân Pháp hung ác, xảo quyệt đến đâu cũng không thể ngăn cản được chúng ta tiến lên. Chúng ta nhất định sẽ thắng lợi, nước Việt Nam nhất định sẽ được độc lập, đó là dòng thác lịch sử không gì ngăn nổi”.
Hồ Chí Minh cũng sớm tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc, sớm sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng đi đến thành công. Nhân dịp Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 03/02/1930), vào ngày 18/12/1930, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh sĩ, thanh niên, học sinh, anh chị em bị áp bức, bóc lột, trong đó nêu rõ: “Đảng Cộng sản ở Đông Dương đã được thành lập. Đó là Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng An Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột chúng ta. Từ nay, anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng…”.
Ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam cùng lãnh tụ Hồ Chí Minh khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ của Đảng và các tầng lớp nhân dân từng bước trưởng thành qua các cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930- 1931 mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh; Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ 1936-1939 và cao trào cách mạng giải phóng dân tộc 1939-1945. Trong các cao trào cách mạng gian khổ mà vinh quang đó, đã có nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, trong đó có 4 đồng chí: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong là Tổng Bí thư của Đảng. Nhưng cũng qua đây, Hồ Chủ tịch và Đảng ta đã tập hợp, xây dựng, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, rèn luyện, phát triển lực lượng cách mạng và tạo thời cơ cách mạng. Hồ Chí Minh và Đảng ta cũng sáng suốt, kịp thời nắm bắt thời cơ thuận lợi trong nước và quốc tế để phát động tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, phát huy sức mạnh nội lực để giành độc lập dân tộc với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/9/1945.
Giành được độc lập đã khó, giữ được độc lập càng không hề dễ dàng. Nhưng dù khó khăn gian khổ, dù phải hy sinh đến mức nào thì Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam vẫn đoàn kết một lòng, kiên quyết bảo vệ độc lập tự do của dân tộc. Trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do độc lập” và: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Còn trong Diễn văn đọc tại “Ngày kháng chiến toàn quốc”, ngày 05/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Bọn thực dân Pháp phải biết rằng: Dân Việt Nam không muốn đổ máu, dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Nhưng nếu cần phải hy sinh mấy triệu chiến sĩ, nếu cần phải kháng chiến bao nhiêu năm để giữ gìn quyền độc lập của Việt Nam, để cho con cháu Việt Nam khỏi kiếp nô lệ, thì chúng ta vẫn kiên quyết hy sinh và kháng chiến. Vì dân Việt Nam tin chắc rằng thế nào kháng chiến này cũng thành công”.
Với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, Đảng, Nhà nước và toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết thống nhất, kiên quyết, kiên trì chiến đấu hy sinh để thực hiện trọn vẹn mục tiêu thiêng liêng: bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc. Chúng ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, cả nước thống nhất cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Cùng với độc lập, Đảng, Nhà nước và nhân dân còn phải đồng thời thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Ngày 10/01/1946, phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định: “Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập phỏng có ích gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ…”. Vì vậy, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ. Cho nên, Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân”.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã và đang không ngừng phấn đấu nhằm mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với những thành tựu to lớn mà đất nước có được, với cuộc sống mọi mặt của nhân dân ngày càng nâng cao, chúng ta có cơ sở vững chắc, động lực to lớn để tiếp tục tuyệt đối tin tưởng và vững bước theo Đảng, theo cách mạng. Bằng nỗ lực cố gắng phấn đấu hết sức mình để đóng góp tích cực nhất vào sự nghiệp chung của đất nước, mỗi chúng ta hãy cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi lời căn dặn trước lúc đi xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”./.