Thách thức trong mở rộng diện bao phủ BHXH
Làm rõ những khó khăn, thách thức trong cải cách chính sách BHXH, tại Hội thảo khoa học “Bảo hiểm xã hội - Một phần tư thế kỷ góp phần sự nghiệp an sinh”, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) - cho rằng, thách thức đầu tiên đặt ra trong cải cách chính sách BHXH là việc thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân. Để thực hiện mục tiêu trên, Nghị quyết 28 chỉ đạo xây dựng hệ thống BHXH đa tầng với tầng thấp nhất là mọi người dân khi về già, hết tuổi lao động nếu không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng đều có thể tiếp cận chính sách hưu trí xã hội từ nguồn NSNN đảm bảo. Đây là một thách thức đặt ra đối với khả năng đảm bảo của nguồn NSNN trong bối cảnh già hóa dân số ở Việt Nam, số lượng người cao tuổi tăng lên rất nhanh trong thời gian tới. Mặt khác, việc thực hiện BHXH đa tầng nếu triển khai không tốt sẽ dễ dẫn đến việc người dân ỷ lại chính sách hưu trí xã hội, không mặn mà với việc tham gia BHXH tự nguyện, tạo ra những khó khăn trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Bên cạnh đó, mặc dù trong những năm qua, diện bao phủ BHXH không ngừng được mở rộng với tỷ lệ người tham gia tăng hằng năm song nhìn lại số liệu trong 10 năm qua (2009-2018), tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc dao động từ 3,24 - 7,03% và bình quân số người tham gia BHXH bắt buộc tăng 5,83%/năm. Nếu duy trì tốc độ phát triển đối tượng này thì dự kiến đến năm 2021, 2025 và 2030, số người tham gia BHXH bắt buộc sẽ đạt tương ứng là 17,1 triệu, 21,5 triệu và 28,5 triệu người. Với ước tính lực lượng lao động trong độ tuổi tương ứng là 50,4 triệu, 52,1 triệu và 53,8 triệu người, tỷ lệ số người tham gia BHXH bắt buộc so với lực lượng lao động trong độ tuổi tương ứng là 34%, 41,3% và 53% chưa đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 28.
Trong khi đó, hằng năm, một số lượng lớn người lao động vẫn đang lựa chọn việc hưởng BHXH một lần, đồng nghĩa với việc họ ra khỏi hệ thống chính sách BHXH và mất đi cơ hội để tiếp cận lương hưu khi về già. Thực tế này đang đi ngược với mục tiêu phát triển mở rộng đối tượng tham gia, tăng diện bao phủ của chính sách BHXH. Số người tham gia BHXH tự nguyện cũng còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu đề ra.
Lo ngại hiện tượng “bảo hiểm ngược”
Về mặt chính sách, việc mở rộng đối tượng áp dụng nhưng lại ít có sự thay đổi về thiết kế chính sách, quan hệ đóng - hưởng chưa phù hợp, mức hưởng - quyền lợi hưởng vẫn cao hơn nhiều so với mức đóng - trách nhiệm đóng góp, đặt ra những thách thức đối với bảo đảm cân đối Quỹ BHXH ở Việt Nam trong dài hạn. Các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt được thiết kế nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách. Tuy nhiên, đây là chính sách mang tính tự nguyện nên nếu triển khai không tốt sẽ dễ dẫn tới hiện tượng “bảo hiểm ngược”, tức là chỉ những người có bệnh tật, ốm đau, có nguy cơ cao mới tham gia, từ đó không huy động được sự đóng góp mang tính chia sẻ giữa những người tham gia BHXH, người khỏe mạnh cho người ốm đau, bệnh tật… tạo ra áp lực rất lớn về tài chính, quan hệ đóng - hưởng trong thực hiện.
Cùng với đó, việc thay đổi từ chính sách tiền kiểm sang hậu kiểm cũng đặt ra những vấn đề trong công tác quản lý thu, chi, giải quyết các chế độ BHXH, nhất là tình trạng trục lợi chính sách, gây thất thoát trong quản lý Quỹ. Thực tế này đòi hỏi ngành BHXH cần sắp xếp, kiện toàn, nâng cao tính hiệu quả công tác tổ chức thực hiện chính sách.
Trên cơ sở nhìn nhận rõ những thách thức đặt ra, các chuyên gia cho rằng, cần phải tư duy chiến lược về chính sách an sinh xã hội của Việt Nam trong giai đoạn mới, từ đó thúc đẩy quá trình thể chế hóa, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng nhu cầu của thực tiễn; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách. Đặc biệt, việc cải cách thành công chính sách BHXH đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và hệ thống chính trị, trách nhiệm trực tiếp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan BHXH đến sự tham gia của người sử dụng lao động và người lao động.
Đ. KHOA