Điểm số cao, người dânvẫn chưa hài lòng
Hàng loạt kết quả khảo sát liên quan đến công tác CCHC được công bố trong thời gian qua đã nói lên những nỗ lực từ T.Ư đến địa phương. Mới đây nhất là kết quả CCHC năm 2017 của các Bộ, ngành và địa phương do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ thực hiện và công bố hay Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam công bố…
Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có sự cải thiện về điểm số rõ rệt từ các cuộc khảo sát nêu trên. Đó là sự ghi nhận những nỗ lực CCHC ở cấp T.Ư. Những nỗ lực đó, trên thực tế, đã có tác động tốt đến những giao dịch hành chính của người dân. Kết quả, 80% ý kiến người dân được hỏi đánh giá tốt những nỗ lực cải cách. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là bên cạnh những thành tích đẹp, ở một góc nhìn khác, người dân vẫn chưa thực sự hài lòng đối với những dịch vụ mà họ trải nghiệm.
TS. Đặng Hoàng Giang - người có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc khảo sát xã hội - nhìn nhận, việc một địa phương có điểm số cao về CCHC nhưng chưa nhận được sự hài lòng của người dân không phải là hiếm gặp. Theo ông Giang, người dân đã ghi nhận tốt hơn về những đổi mới thủ tục hành chính (TTHC), tuy nhiên, thái độ làm việc, ứng xử của cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo đối với người dân vẫn còn là vấn đề nan giải. “Ngay tại thủ đô Hà Nội, để người dân được tiếp xúc, trao đổi thẳng thắn, cởi mở với cán bộ lãnh đạo và nhận lại phản hồi tích cực không hề dễ dàng” - ông Giang chia sẻ.
Nhiều vụ việc xảy ra như chuyện cán bộ “hành” dân khi đến xin cấp giấy chứng tử; sự sách nhiễu, đòi hỏi vô lý của cán bộ hay vụ việc cán bộ hải quan ở Hải Phòng nhận tiền “bôi trơn” trong quá trình làm thủ tục thông quan cho DN… đã làm méo mó nỗ lực cải cách của Chính phủ trong mắt người dân.
Nhìn nhận vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế T.Ư - cho rằng, những sự việc vừa qua đáng báo động là do xuất phát từ phía cán bộ, chứ không phải do khách quan. “Con người là nhân tố quyết định đến sự đổi mới. Do đó, việc chuẩn hóa các nguyên tắc đạo đức công vụ là yêu cầu quan trọng hàng đầu trong CCHC” - ông Doanh nói.
Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo kết quả
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác CCHC của Chính phủ - tại Hội nghị công bố Chỉ số cải CCHC và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2017 của các Bộ, ngành, địa phương.
Nói về công tác CCHC thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn tồn tại. Nguyên nhân là do ý thức phục vụ người dân theo tinh thần công bộc của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế; sức ỳ của bộ máy hành chính các cấp trong việc thay đổi thói quen, cách làm cũ còn lớn…
Dẫn lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ là công bộc của dân, phải gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”, Phó Thủ tướng yêu cầu nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, từ đó góp phần làm chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và bộ máy công quyền về CCHC.
Theo đó, trong 9 nhiệm vụ CCHC trong năm 2018, Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc cải cách phải được thực hiện gắn liền với các giao dịch thường ngày của người dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá kết quả. Theo đó, “việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức để phục vụ việc cải thiện, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công”, chứ không phải để báo cáo “nặng về thành tích”.
Năm 2018, CCHC với trọng tâm là cải cách TTHC sẽ tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện. Cùng với những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát thời gian qua, Nghị định về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cũng đã được ban hành trong tháng 4 vừa qua. Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong lĩnh vực này, đặc biệt là sự ghi nhận, nhấn mạnh vai trò của người dân trong giám sát, đánh giá các TTHC công.
Theo đó, Nghị định hướng đến mục tiêu đặt người dân làm trung tâm của CCHC, đẩy mạnh công khai, minh bạch, kết nối nhanh chóng giữa người dân và các cơ quan quản lý nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí giao dịch, tạo điều kiện loại bỏ mọi chi phí không chính thức thông qua việc xây dựng hệ thống dịch vụ hành chính công điện tử.
NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 21 ra ngày 21-5-2018