Văn bản pháp luật còn thiếunhất quán
Những năm qua, nhiều đạo luật quan trọng, tác động trực tiếp đến DN, môi trường đầu tư kinh doanh đã có những cải cách và thúc đẩy quyền tự do kinh doanh mạnh mẽ. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không ngừng được hoàn thiện những năm trước khiến cho số lượng văn bản được ban hành năm 2019 giảm mạnh. Theo Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, tính đến hết tháng 11/2019, chỉ có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500 đến 800 thông tư của các năm trước đó. Đồng thời, cũng chỉ có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định so với cùng kỳ năm 2018, và mức 125 nghị định trong 11 tháng năm 2017.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, số lượng văn bản giảm không đồng nghĩa với việc khối lượng công việc xây dựng pháp luật của các Bộ, ngành giảm. Pháp luật quy định, từ khi bắt đầu cho đến khi đưa hoạt động đầu tư, kinh doanh vào thực tế, nhà đầu tư phải trải qua rất nhiều giai đoạn, tương ứng với từng giai đoạn là các điều kiện và thủ tục hành chính kèm theo. Sự chồng chéo trong các văn bản luật, nhất là trong việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, đã thực sự làm khó DN. Chẳng hạn, dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản sẽ chịu sự điều chỉnh của các Luật: Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Xây dựng, Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị, Đấu thầu, Phòng cháy và chữa cháy…
Trong khi đó, thủ tục, điều kiện quy định tại một số văn bản pháp luật lại không thống nhất, khiến nhà đầu tư không biết nên thực hiện thủ tục nào trước, sau hay có phải thực hiện thủ tục đó không? Sự thiếu nhất quán của các văn bản pháp luật khiến cho quy trình triển khai dự án bị kéo dài, thậm chí là đình trệ, không thể triển khai, gia tăng chi phí về thời gian, tiền bạc và rủi ro đối với DN, khiến môi trường kinh doanh trở nên kém thuận lợi.
Từ góc độ của các nhà quản lý cũng đã nhận thấy sự lúng túng của các cơ quan thực thi khi gặp phải những quy định chồng chéo. Nếu thực hiện linh hoạt tạo thuận lợi cho DN thì sẽ có nguy cơ trái luật, nhưng nếu thực hiện theo đúng quy định thì quy trình trở nên rất rắc rối, kéo dài và thậm chí không thể thực hiện được. Nhiều cơ quan thực thi cấp địa phương đang phải đối mặt với sức ép của việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng lại bất lực vì sự thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật.
Cần rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh doanh
Năm 2019 vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã thu thập ý kiến của các DN, hiệp hội, cơ quan nhà nước ở địa phương và tiến hành nghiên cứu, rà soát các văn bản pháp luật về kinh doanh để nhận diện những điểm chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật, thực trạng chồng chéo đang làm khó cho DN, cũng như các cán bộ thực thi. Từ hơn 330 ý kiến phản hồi của 40 hiệp hội, DN, cơ quan địa phương, các chuyên gia nghiên cứu nhận thấy, sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định tập trung chủ yếu trong 15 luật hiện hành, gồm Luật: Trồng trọt, Đấu giá tài sản, Đầu tư, Đất đai, Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Bảo vệ môi trường, Đấu thầu, Tài nguyên nước, Khoáng sản, Quy hoạch đô thị, Đa dạng sinh học, Hóa chất, Thương mại. Trong đó, mâu thuẫn, chồng chéo nhiều nhất liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư. Cụ thể là các vấn đề: chưa thống nhất về điều kiện cấp phép, không rõ thực hiện thủ tục nào trước, sau; chưa thống nhất về thẩm quyền cấp phép; chồng lấn khi thực hiện thủ tục hành chính; chưa thống nhất về hồ sơ xin cấp phép; chưa thống nhất về thời hạn thực hiện thủ tục hành chính.
Ý kiến phản hồi cũng cho thấy, giữa các văn bản pháp luật về kinh doanh còn có sự thiếu thống nhất khi quy định về các khái niệm; sự chồng lấn khi ban hành các danh mục ngành nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện… Sự chồng chéo này tạo rủi ro lớn cho DN, nhất là liên quan đến các chính sách về hạn chế quyền kinh doanh.
Điểm đáng chú ý trong kết quả rà soát pháp luật về kinh doanh là sự chồng chéo giữa “luật chung” và “luật riêng”, “luật chuyên ngành” là khá nhiều. Bên cạnh đó, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nguyên tắc áp dụng pháp luật là theo thời gian ban hành. Nếu văn bản quy phạm pháp luật cùng có hiệu lực thì văn bản ban hành sau sẽ được ưu tiên áp dụng. Thực tế này làm cho hệ thống pháp luật kinh doanh trở nên thiếu thống nhất và hay thay đổi - các chuyên gia nghiên cứu nêu rõ.
Để khắc phục những vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng, lý tưởng nhất là tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật về kinh doanh để có cái nhìn tổng thể và điều chỉnh những điểm còn mâu thuẫn. Trong đó, cần xây dựng quy trình từ khi bắt đầu đến khi đưa dự án đầu tư, kinh doanh vào hoạt động. Ở mỗi giai đoạn, cần xác định rõ luật nào đang điều chỉnh, điều chỉnh như thế nào, có sự chồng lấn hoặc chồng chéo không để tiến hành sửa đổi. Quan trọng hơn, trong quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan cần phải kiểm soát được tính thống nhất trong các quy định của luật.
QUỲNH ANH