Những bước tiến khá toàn diện
Cải cách TCC là xu hướng phổ biến của các quốc gia trên thế giới để đảm bảo sự vận hành của nền hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế.
Không nằm ngoài xu hướng này, tại Việt Nam, cải cách TCC là 1 trong 6 nội dung của cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ. Theo đó, cải cách TCC là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần bổ trợ cho các nhiệm vụ khác, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
TS. Bùi Tiến Hanh - Trưởng Khoa TCC, Học viện Tài chính - đánh giá, từ năm 2015 đến nay, việc cải cách TCC ở Việt Nam có bước tiến khá toàn diện, phạm vi ngân sách được xác định đầy đủ hơn theo thông lệ quốc tế; tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài khóa và quản lý ngân sách nhà nước (NSNN) giúp giảm nợ công; minh bạch ngân sách được tăng cường thông qua cải thiện khả năng tiếp cận thông tin tài khóa; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng ngân sách.
Cải cách TCC gồm 6 nội dung cơ bản: Cải cách thể chế liên quan đến pháp luật tài chính; cơ cấu lại thu - chi NSNN; cơ cấu lại nợ công đảm bảo an toàn nợ công; cơ cấu lại, điều chỉnh cơ cấu đầu tư công tích cực, hiệu quả gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; cơ cấu, sắp xếp lại, cổ phần hóa các DNNN; đổi mới, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, chính sách động viên NSNN tiếp tục được hoàn thiện, bổ sung, bám sát các mục tiêu, định hướng. Các chính sách thuế, phí, lệ phí về cơ bản đảm bảo minh bạch, đơn giản, phù hợp với các cam kết về hội nhập quốc tế, góp phần tạo môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tổng thu NSNN có xu hướng tăng, cơ cấu thu NSNN chuyển dịch theo hướng bền vững hơn...
Trong phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính, cơ cấu chi NSNN đã tác động tích cực đến cân đối thu - chi, bảo đảm tính bền vững của NSNN, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Việc phân bổ vốn đầu tư công ngày càng hợp lý. Đầu tư công đã phát huy tác dụng tích cực, thúc đẩy đầu tư khu vực kinh tế ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, góp phần cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý về nợ công và quản lý nợ công được hoàn thiện phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam và tiếp cận thông lệ tốt của quốc tế. Tình hình vay nợ và cơ cấu dư nợ công có chuyển biến tích cực, góp phần đảm bảo an toàn và bền vững nợ công.
Các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được sắp xếp, cơ cấu lại, tinh giản về số lượng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được đổi mới, đông đảo người dân được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu với chất lượng cao hơn; tăng tính tự chủ cho các đơn vị, giảm áp lực đối với cân đối NSNN.
4 nhóm khó khăn, thách thức đối với cải cách tài chính công
TS. Bùi Tiến Hanh nhận định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc cải cách TCC ở nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết, kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng thương mại toàn cầu tuy có xu hướng phục hồi nhưng vẫn bất ổn, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn TCC. Kinh tế Việt Nam với độ mở lớn vẫn chịu nhiều rủi ro, áp lực từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như tình hình thương mại thế giới.
Thứ hai, dư địa tăng thu ngân sách hạn chế, cơ cấu thu ngân sách chưa thực sự bền vững. Số vượt thu ngân sách những năm gần đây chủ yếu là từ các khoản thu không bền vững như thu từ đất đai (thu tiền sử dụng đất, thu tiền cho thuê đất, thuê mặt nước)… Tốc độ tăng thu nội địa có xu hướng chậm lại. Sự phát triển thương mại điện tử đặt ra nhiều thách thức về quản lý với cơ quan thuế.
Thứ ba, áp lực chi NSNN cho phục hồi, phát triển kinh tế và ổn định đời sống người dân. Việt Nam vẫn phải tiếp tục duy trì các biện pháp kích thích kinh tế, tăng đầu tư và tiêu dùng để duy trì tăng trưởng; phải thích ứng, chống chịu với thiên tai, biến đổi khí hậu; việc giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng còn chậm, ảnh hưởng đến hiệu quả của các chương trình và dự án đầu tư công.
Thứ tư, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ và vay để trả nợ gốc có xu hướng tăng, tạo áp lực cân đối ngân sách để trả nợ gốc.
Cùng với những thách thức trên, GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước - còn cho hay, những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu TCC giai đoạn 2021-2030 đặt ra cũng rất lớn. Đó là: Tiếp tục đổi mới chính sách động viên nguồn lực TCC theo hướng bền vững; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu đi đôi với cơ cấu lại thu NSNN, hướng đến xây dựng một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết, hợp lý.
Song song với đó, cần hoàn thiện thể chế về quản lý NSNN, nhằm tăng cường hiệu quả phân bổ, sử dụng nguồn lực ngân sách gắn với quá trình tái cơ cấu kinh tế. Tiếp tục cơ cấu lại nợ công, đảm bảo an ninh, an toàn TCC, thực hiện nguyên tắc vốn trong nước là quyết định, vốn nước ngoài là quan trọng.
Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường tính minh bạch và công khai về ngân sách. Đẩy mạnh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý TCC. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát TCC…
Những thách thức và nhiệm vụ này đòi hỏi sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có vai trò quan trọng của KTNN. Thông qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện những hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng TCC, từ đó kiến nghị để các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính, ngân sách./.