Tiêu chuẩn “kép” đối với kiểm toán viên nhà nước
Chuyên nghiệp - hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là chuyên tâm vào nghề nghiệp, công việc. Đối với mỗi ngành nghề, công việc khác nhau, tính chuyên nghiệp có những yêu cầu khác nhau. Chẳng hạn, tính chuyên nghiệp trong công việc của những người làm công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của công dân khác với những kế toán viên, tính chuyên nghiệp của kế toán viên khác với kiểm toán viên (KTV)…
Tính chuyên nghiệp của mỗi tổ chức, công ty được đánh giá ở mỗi nhân viên. Vì thế, mỗi tổ chức, công ty, nhất là những tổ chức, công ty lớn, có bề dày hoạt động lâu năm đều xây dựng “chuẩn mực nghề nghiệp” và yêu cầu nhân viên phải tuân thủ. Có nhiều tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá tính chuyên nghiệp của một cá nhân, tựu trung lại gồm 10 tiêu chuẩn cơ bản: Làm việc có kế hoạch; có tinh thần trách nhiệm; chuyên tâm với công việc; hiểu biết, không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức chuyên môn; độc lập, tự chủ và có tinh thần hợp tác trong công việc; có ý thức kỷ luật; tác phong công nghiệp; biết cách giao tiếp và ứng xử; trang phục phù hợp; thư giãn hợp lý.
Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) là công chức nhà nước, làm việc tại Kiểm toán nhà nước (KTNN) và được giao nhiệm vụ kiểm toán, vì vậy, bên cạnh tính chuyên nghiệp trong thực hiện chức trách, phận sự của một công chức, KTVNN còn phải có tính chuyên nghiệp của một KTV với các đặc thù hoạt động của nghề kiểm toán. Biểu hiện của tính chuyên nghiệp trong phong cách làm việc của KTVNN mang tính chất “kép”, vừa chuyên nghiệp của công chức, vừa chuyên nghiệp của nghề nghiệp chuyên môn.
Trải qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, KTNN luôn chú trọng xây dựng đội ngũ KTVNN vừa hồng vừa chuyên thông qua việc hoàn thiện, ban hành các quy trình, chuẩn mực nghề nghiệp, quy tắc ứng xử nhằm tăng cường tính chuyên nghiệp hoá và nâng cao hiệu quả hoạt động. Gần đây nhất, ngày 08/7/2024, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành cẩm nang “Quy định về quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước” với những chuẩn mực ứng xử của KTVNN trong hoạt động kiểm toán và trong quan hệ xã hội.
Chuyên nghiệp trong chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán
Hoạt động kiểm toán đòi hỏi tính làm việc có kế hoạch rất cao. Trước khi tiến hành các nghiệp vụ, mỗi đoàn, tổ kiểm toán đều phải có kế hoạch kiểm toán đã được cấp trên phê duyệt. Dựa trên kế hoạch đó, mỗi KTV phải xây dựng một chương trình kiểm toán chi tiết để thực hiện nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện kế hoạch kiểm toán nếu có sự thay đổi đều phải được cấp trên phê duyệt.
Tính làm việc có kế hoạch của KTVNN không chỉ thể hiện ở kế hoạch kiểm toán, mà mỗi công việc, mỗi ngày làm việc đều phải có kế hoạch rõ ràng. Chẳng hạn để tìm thêm bằng chứng kiểm toán, KTV phải có kế hoạch cụ thể: Cần thu thập thêm bằng chứng gì? Thu thập ở đâu? Cần những tài liệu, chứng từ gì? Liên quan đến văn bản chế độ nào? Cần phải hỏi ai, hỏi như thế nào? Việc nào làm trước, việc nào làm sau? Khi nào phải hoàn thành?...
Hoạt động kiểm toán có tính độc lập, khách quan và chuyên sâu, mỗi KTV phải chịu trách nhiệm đến cùng về những kết luận, nhận xét, đánh giá của mình. Vì vậy, tinh thần trách nhiệm luôn được đề cao. KTV phải thận trọng cao hơn mức cần thiết khi đưa ra các kết luận kiểm toán, sẵn sàng đi đến cùng sự việc, không được “dễ làm, khó bỏ”, ỷ lại hay đùn đẩy trách nhiệm.
KTV chuyên nghiệp phải có trình độ chuyên môn và văn hoá giao tiếp từ mức khá trở lên, chuyên môn phải cao hơn trình độ của những người bị kiểm tra. Do đó, KTV chuyên nghiệp phải luôn chuyên tâm với công việc, thường xuyên trau dồi sự hiểu biết, không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức chuyên môn, cập nhật và nắm vững chính sách pháp luật, kiến thức kinh tế, xã hội. Thường xuyên học tập và rèn luyện để nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp là một chuẩn mực cơ bản của nghề kiểm toán; điều đó cũng đã được quy định trong Luật KTNN.
Độc lập, tự chủ và có tinh thần hợp tác trong công việc của KTV thể hiện qua thái độ làm việc tự giác, chủ động trong công việc, biết lập kế hoạch, chương trình kiểm toán, độc lập thu thập bằng chứng kiểm toán, đưa ra kết luận, đánh giá kiểm toán; đồng thời biết cách hợp tác với đồng nghiệp, đơn vị được kiểm toán và bên thứ ba. Hoạt động của KTV có tính độc lập cao, nhưng hợp tác cũng là phẩm chất thiết yếu. Kiểm toán có chức năng xác nhận và tư vấn, là “bạn đồng hành”, “người dẫn đường sáng suốt” của mỗi tổ chức, doanh nghiệp, vì thế sự hợp tác là cần thiết và hơn nữa nếu không có năng lực hợp tác trong công việc thì KTV sẽ gặp phải khó khăn khi thu thập bằng chứng hợp pháp, đầy đủ và thích hợp. Ngoài ra, báo cáo kiểm toán là sản phẩm chung, các phần việc kiểm toán thường liên quan chặt chẽ với nhau, nên các KTV luôn phải làm việc theo nhóm.
Hoàn thiện tác phong, hình ảnh… đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới
Trong quan hệ phối hợp công tác, biết cách giao tiếp và ứng xử chứng tỏ và tăng cường năng lực hợp tác của mỗi KTV. Quy tắc đạo đức nghề nghiệp kiểm toán yêu cầu trong giao tiếp và ứng xử phải lịch sự, nhã nhặn, tôn trọng đối tác, sử dụng ngôn từ trong sáng, phù hợp, dễ hiểu từ cách đặt vấn đề, đề nghị cung cấp tài liệu, trao đổi ý kiến, đề nghị đơn vị giải trình đến chứng minh, thuyết phục về các kết luận, đánh giá kiểm toán.
Mặc trang phục phù hợp với từng môi trường làm việc là rất cần thiết, tạo điều kiện cho giao tiếp thuận lợi, đạt hiệu quả công việc.
Kiểm toán là một nghề nghiệp hoạt động độc lập, có tính chuyên môn cao, dễ bị mua chuộc, dễ lợi dụng chức quyền để vụ lợi, vì vậy, ý thức kỷ luật luôn được đặc biệt coi trọng. Ý thức kỷ luật đòi hỏi KTV phải tuân thủ nghiêm ngặt những chuẩn mực, quy trình và quy tắc nghề nghiệp chặt chẽ; chấp hành sự phân công, giao nhiệm vụ, sự kiểm tra, kiểm soát của cấp trên; biết giữ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp.
Tác phong công nghiệp gắn liền với ý thức kỷ luật của KTV. Làm việc khoa học, bài bản, theo chuẩn mực, quy trình, giải quyết công việc đúng tiến độ, đúng hẹn, đó chính là tác phong công nghiệp trong nghề kiểm toán.
Thư giãn hợp lý trong những khoảng thời gian nghỉ là rất cần thiết đối với KTV - những người làm việc chuyên môn với cường độ cao.
Nhìn chung, đến nay, đội ngũ KTVNN có trình độ chuyên môn phù hợp với tiêu chuẩn ngạch, bậc, bảo đảm có sự kế thừa, bổ sung kiến thức lý luận, kinh nghiệm thực tiễn, nhiều KTV có phong cách làm việc chính quy, chuyên nghiệp, đủ khả năng hội nhập và tham gia các hoạt động chung của khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận KTV làm việc thiếu chuyên nghiệp, chưa chấp hành nghiêm các chuẩn mực, quy trình kiểm toán; trong giao tiếp và ứng xử với đơn vị được kiểm toán, với đồng nghiệp ở một số trường hợp, tình huống chưa đủ chuẩn mực.
Để xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp của KTVNN, bên cạnh việc KTNN nâng cao kỷ luật công chức, công vụ; tăng cường nghiên cứu, ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể; đào tạo theo phương thức “cầm tay chỉ việc”, mỗi KTV cần phải có ý thức coi trọng và thực sự nghiêm túc trong học tập, rèn luyện đạo đức, tác phong, tạo dựng một phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.