Những cải cách thủ tục hành chính của ngành Thuế và Hải quan được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao. Ảnh: T.K
Đã và đang có thêm nhiều cơ sở minh chứng cho những nỗ lực của ngành Thuế, Hải quan trong cải cách thủ tục hành chính.
Trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa qua và tại Hội thảo công bố báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế - hải quan năm 2015 mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã khẳng định nhiều kết quả đạt được của 2 ngành này.
Đối với lĩnh vực thuế, số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ, giảm 8 lần khai và nộp thuế Giá trị gia tăng và 4 lần nộp tờ khai thuế Thu nhập DN tạm tính. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, cơ quan Thuế đã ký kết thỏa thuận với 43 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử tại 63 địa phương trong cả nước và đến nay đã có 90,8% DN đăng ký tham gia nộp thuế điện tử. Bộ Tài chính cũng đã rà soát, sửa đổi bổ sung phần lớn các quy trình nghiệp vụ, nhất là các quy trình liên quan đến người nộp thuế, đồng thời thực hiện việc rà soát và cắt giảm 63 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 50 thủ tục hành chính.
Trong lĩnh vực hải quan, Luật Hải quan năm 2014 được Quốc hội thông qua và nhiều Nghị định, Thông tư được ban hành đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý hải quan. Việc triển khai thành công Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) đã giúp giảm thời gian thông quan cho DN. Cơ chế hải quan một cửa quốc gia tại 12 cảng biển với sự tham gia của 9 Bộ, ngành đã giúp DN chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất và giảm được 10% đến 20% chi phí thực hiện thủ tục hành chính, cắt giảm 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu…
Những cải cách trên được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao. Theo báo cáo đánh giá kết quả giám sát thuế - hải quan do Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan công bố mới đây, 70% các hiệp hội DN và Liên minh Hợp tác xã cho biết các thông tin về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế là sẵn có, dễ tìm; 44% DN khẳng định cơ quan Thuế đã cung cấp thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời. Về hải quan, 75% DN được hỏi hài lòng với các phương thức cung cấp thông tin thủ tục hành chính của ngành Hải quan; 66% đơn vị cho biết thông tin vể thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan là sẵn có, dễ tìm.
Kết quả trên thêm khẳng định, trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và hội nhập ASEAN nói riêng, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh để tạo ra không gian hoạt động thuận lợi đối với DN trong nước và nước ngoài. Những chỉ tiêu về giảm thời gian nộp thuế, thời gian thông quan hàng hóa… trong Nghị quyết 19/NQ-CP đã được cụ thể hóa bằng nhiều hành động thiết thực và được các chuyên đánh giá cao. Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan đã góp phần cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh của Việt Nam. Báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ rõ: Môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện từ vị trí 93 (năm 2015) lên vị trí 90 (năm 2016) trong số 189 nền kinh tế. Còn theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), so với các nước ASEAN, chỉ tiêu khởi sự kinh doanh của Việt Nam và chỉ số bảo vệ nhà đầu tư đều đạt được những tiến bộ rõ nét.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Thủy sản cho rằng trong số các Bộ, ngành có tên trong Nghị quyết 19/NQ-CP, Thuế và Hải quan là những ngành tích cực, có tinh thần vì DN tốt nhất. Tương tự, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Namnhận định: Việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan thời gian qua đã mang tới những “luồng gió mới”, làm cho cộng đồng DN tin tưởng hơn vào đường lối chính sách của Đảng.
Hội nhập khu vực và quốc tế đòi hỏi ngành Thuế, Hải quan bằng nhiều cách thức phải khắc phục những tồn tại, đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục hành chính để mang đến thêm những “luồng gió mới” cho môi trường kinh doanh. Tới đây khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thiết lập, những “luồng gió mới” này sẽ góp phần tạo động lực, khí thế cho DN hoạt động và phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hội nhập của DN, từ đó góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực.
NGỌC MAI