Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh phát biểu tại Hội thảo.Ảnh: PHỐ HIẾN
Trong không khí tưng bừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Hội thảo chính là dịp để các nhân chứng lịch sử được gặp gỡ, xúc động cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của 70 năm về trước.
Sống lại thời khắc lịch sử quan trọng của dân tộc những ngày tháng 8/1945, nguyên Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Nguyễn Văn Trân kể: “Tháng 8/1945, trong lúc tôi đang dự Quốc dân Đại hội Tân Trào thì nhận được chỉ thị của Bác Hồ: Phải về Hà Nội ngay để thi hành chủ trương và kế hoạch Tổng khởi nghĩa, không ở lại dự Quốc dân Đại hội nữa! Không chần chừ, tôi bàn giao công việc và trở về tập hợp các đồng chí sẵn sàng cho lệnh tổng khởi nghĩa tại địa phương. Lúc ấy, khí thế chiến đấu của nhân dân trào dâng, sục sôi đến khó tả”.
Ở tuổi 94, Đại tướng Nguyễn Quyết vẫn nhớ như in những ngày diễn ra Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, khi đó ông là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Những ngày đầu tháng 8/1945, không khí cách mạng đã sục sôi tại nhiều địa phương trên cả nước. Dù chưa nhận được lệnh của Trung ương, nhưng Xứ ủy Bắc Kỳ đã nắm bắt được thời cơ nghìn năm có một, chủ động và kịp thời ra Lệnh Tổng khởi nghĩa tại các tỉnh do Xứ ủy phụ trách. Riêng Hà Nội, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội được thành lập để tổ chức và chỉ đạo cuộc khởi nghĩa. Ngay trong đêm 17/8, Thành ủy Hà Nội đã có cuộc họp khẩn cấp và thông qua một quyết định lịch sử: Hà Nội sẽ tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945. Đích thân Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết đã chỉ huy đoàn biểu tình đi chiếm trại Bảo an binh - căn cứ quân sự lớn của ngụy quyền Bắc Kỳ. Ông kể: “Ngày đó, chỉ huy trại Bảo an binh định cố thủ nhưng quân ta đã phá cổng xông vào. Trước khí thế cách mạng sục sôi của ta, chỉ huy trại đã chấp nhận đầu hàng”.
Ông Lê Đức Vân, 86 tuổi, cựu Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu - người được giao nhiệm vụ phụ trách tờ báo Hồn Nước - tiếng nói của Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu, nhớ lại: Tháng 8/1944, tại số 46 Bát Đàn (Hà Nội), Đoàn Thanh niên Cứu quốc thành Hoàng Diệu được thành lập, trong đó, rất đông học sinh các Trường: Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh... Các thành viên đã tích cực tham gia đấu tranh cách mạng, như: rải truyền đơn, treo cờ Việt Minh, phá kho thóc của Nhật để cứu đói cho dân... Tại cuộc họp của Thành ủy Hà Nội diễn ra trong hai ngày 17 và 18/8/1945, ông Vân được giao nhiệm vụ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân ngoại thành ngày 19/8. “Đó là chiến thắng không đổ máu mà quân và dân Hà Nội đã làm được. Đứng dưới ngọn cờ đỏ sao vàng tung bay trong sáng ngày 2/9, chúng tôi ai cũng xúc động vì biết rằng, mình đã được tự do” - ông Vân xúc động nói.
Những bài họccòn nguyên giá trị
Ôn lại ký ức hào hùng, các nhân chứng, các nhà khoa học đã tập trung làm rõ ý nghĩa trọng đại của sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9; khẳng định những thành tựu to lớn của nhân dân ta đã đạt được trong 70 năm qua, nhất là gần 30 năm cả nước thực hiện đổi mới toàn diện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, nhìn nhận rõ hơn những cơ hội và thách thức đặt ra trong việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam đang được triển khai mạnh mẽ và đã thu được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực của đời sống. Những thành tựu to lớn đã đạt được trong suốt 70 năm qua, đều bắt nguồn từ nền tảng đầu tiên là thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Khẳng định ý nghĩa lịch sử và thời đại sâu sắc của Cách mạng Tháng Tám và những tác động ảnh hưởng của cuộc cách mạng đến tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam và thế giới; khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn đầy thử thách cam go để đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công và lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, GS.TS Phạm Xuân Nam - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam đã chỉ ra giá trị, những bài học to lớn từ những chính sách được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra trong thời kỳ đầu giành độc lập. Trong bối cảnh đất nước chồng chất khó khăn, nền tài chính đất nước kiệt quệ, trình độ văn hóa thấp kém..., Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu những nhiệm vụ cấp bách của đất nước lúc này và đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giải quyết kịp thời, có hiệu quả những nhiệm vụ ấy. “Nước ta có được thành tựu to lớn trong 30 năm đổi mới và được quốc tế công nhận chính là nhờ tiếp tục học tập, sáng tạo từ những bài học cơ bản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra trước đây” - GS. Nam nhận định.
Nhấn mạnh Cách mạng Tháng Tám là một cuộc cách mạng ít đổ máu và đầy tính nhân văn, GS - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu và nhiều nhà khoa học đã tái hiện lại bối cảnh và thời khắc lịch sử của dân tộc đưa đến cuộc Tổng khởi nghĩa toàn quốc giành thắng lợi. Các tham luận đặc biệt nhấn mạnh, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, bên cạnh những thời cơ, vận hội luôn song hành với những khó khăn, thách thức, cần tiếp tục vận dụng hiệu quả các bài học, phát huy cao độ lòng yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại vào xây dựng và phát triển đất nước…
NGUYỄN LỘC