Theo Thông tư 21/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ 06/02/2023, cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc từ đủ 2-5 năm phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác.
Các vị trí phải chuyển đổi công tác định kỳ gồm:
- Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất; cấp giấy phép thăm dò, khảo sát, khai thác khoáng sản; cấp, cấp đổi, cấp điều chỉnh, cấp lại giấy phép môi trường về xả nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất thải rắn theo quy định.
- Cấp giấy phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xử lý hồ sơ giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Giao hạn mức đất; quản lý việc áp dụng bồi thường, xác định người sử dụng đất thuộc đối tượng bồi thường, được hỗ trợ; mức bồi thường, hỗ trợ trong giải phóng mặt bằng; xử lý vi phạm về môi trường.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Thông tư 21, gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15/12 hàng năm để tổng hợp, kiểm tra theo quy định.
Các trường hợp thuộc đối tượng định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Thông tư số 59/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định danh mục vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức ngành tài nguyên và môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi vị trí công tác trước ngày Thông tư 21 có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 59/2014.
Các trường hợp thuộc đối tượng định kỳ chuyển đổi vị trí công tác theo quy định tại Thông tư 59 chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển đổi vị trí công tác thì kể từ ngày 06/02/2023 thực hiện theo quy định tại Thông tư 21./.