Lương, phúc lợi xã hội - mối quan tâm hàng đầu của người lao động

(BKTO) - Lương, thưởng, chính sách phúc lợi tốt, môi trường làm việc an toàn… là những yếu tố để giữ chân người lao động, đảm bảo quan hệ lao động hài hòa.

may-1.jpg
Công nhân Công ty Cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm mong muốn có công việc ổn định, lương tăng trong năm 2023. Ảnh: Minh Long

Người lao động mong có công việc ổn định, lương tăng

Gắn bó với Công ty Cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm hơn 10 năm, chị Nguyễn Thị Thương giãi bày, làm may nhìn tưởng đơn giản và nhàn nhưng thực tế rất vất vả, nhất là vào những tháng nước rút, Công ty cần trả đơn hàng. Tuy nhiên, chị Thương vẫn gắn bó với Công ty 11 năm dù thời gian gần đây, chị có nhiều sự lựa chọn hơn về công việc.

“Tôi chọn gắn bó với Công ty vì ở đây, chính sách lương, thưởng minh bạch và đầy đủ”- chị Thương chia sẻ, đồng thời cho biết, ngoài chế độ lương, thưởng cứng, Công ty có chính sách hỗ trợ đột xuất, hỗ trợ tăng ca.

Cũng theo chị Hương, Công ty luôn đảm bảo quy định về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Đặc biệt, dệt may là ngành có nguy cơ cao dễ mắc các bệnh nghề nghiệp nên hằng năm, Công ty thường tổ chức khám sức khỏe tổng quát và chuyên sâu cho công nhân. “Đây chính là yếu tố “giữ” chân những lao động có thâm niên như chúng tôi” - chị Thương nói.

Tương tự, chị Hoàng Thị Hoa cũng có thâm niên 12 năm gắn bó với May Hồ Gươm. Chị cho biết, cuối năm 2022, trước những khó khăn về đơn hàng của Công ty, mọi người đều rất lo lắng về chế độ lương, thưởng nhưng 100% công nhân vẫn có lương, thưởng, thậm chí còn cao hơn so với năm trước.

Ngoài lương, thưởng cuối năm, dịp đầu năm, Công ty tổ chức lì xì, đồng thời hỗ trợ mỗi người 30 nghìn đồng/ngày kéo dài hết tháng 02. “Đây là chính sách hỗ trợ rất ý nghĩa đối với chúng tôi vì ra Tết, công nhân thường rơi vào tình cảnh eo hẹp về kinh tế do Tết chi tiêu nhiều” - chị Hoa bày tỏ.

Khi được hỏi về kỳ vọng trong năm 2023, cả chị Hoa và chị Thương đều mong muốn có công việc ổn định, lương được tăng hơn so với năm 2022.

“Hiện nay, tổng thu nhập đã bao gồm làm tăng ca của tôi được từ 8 đến 10 triệu đồng/tháng. Mức chi tiêu này ở ngoại thành Hà Nội rất eo hẹp, dù không phải mất tiền thuê nhà, đó là chưa kể có giai đoạn, người lao động phải nghỉ luân phiên vì Công ty không có đơn hàng. Trong khi đó, giá cả sinh hoạt, chi phí phụ khác đều tăng” - chị Thương giãi bày.

Doanh nghiệp bù giá, tăng lương để giữ chân lao động

Báo cáo Khảo sát Lương 2023 vừa được Navigos Group - đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự - công bố cho thấy, thu nhập là mối quan tâm và kỳ vọng hàng đầu của người lao động trong năm 2023.

Theo đó, khi được hỏi về sự kỳ vọng chính sách lương, thưởng của Công ty trong năm 2023, có đến 45,62%, chiếm gần một nửa số người tham gia khảo sát lựa chọn “lương sẽ được tăng đều hằng năm từ 10% trở lên”.

Về các khoản phụ - trợ cấp, người lao động kỳ vọng doanh nghiệp có “thêm nhiều phúc lợi từ các hoạt động tập thể, văn hóa, văn nghệ, du lịch” với tỷ lệ 5,5%. Ngoài ra, lao động cũng mong muốn doanh nghiệp có thêm các trợ cấp vào các ngày lễ, nghỉ trong năm (4,7%) và có sự tăng thêm các khoản phụ cấp cơ bản (4,58%).

may-2.png
Thu nhập là mối quan tâm và kỳ vọng hàng đầu của người lao động trong năm 2023. Ảnh: Minh Long

Tương tự, khảo sát tiền lương toàn cầu mới đây của Tập đoàn Tư vấn tuyển dụng Robert Walters cho thấy, có đến 88% công ty sẵn sàng tăng mức lương dành cho nhân viên. Các nhân sự chuyển việc có khả năng nhận được mức lương cao hơn 15 - 25% trong năm nay. Đối với một số lĩnh vực có nhu cầu cao như kỹ thuật số, mức tăng lương có thể lên đến 35%.

Ông Phúc Phạm - Giám đốc Điều hành của Robert Walters Vietnam - cho biết có 2 lý do chính khiến các công ty sẵn sàng tăng lương năm nay. Một là chi phí sinh hoạt tăng cao, khoảng 65% công ty ghi nhận điều này với người lao động của họ. Hai là các công ty đang gặp khó khăn trong việc giữ chân lao động, nhất là nhân sự chất lượng cao.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phí Ngọc Trịnh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn May Hồ Gươm - cho biết, dù trước Tết gặp khó khăn bị ép giá song May Hồ Gươm vẫn thực hiện chính sách lương, thưởng Tết cho người lao động đầy đủ, thậm chí còn cao hơn so với năm trước. Sau kỳ nghỉ Tết, 100% người lao động nhận được hỗ trợ 30 nghìn đồng/ngày. Nhờ chính sách phúc lợi tốt, 100% công nhân đã quay trở lại nhà máy làm việc.

Tuy nhiên, theo ông Phí Ngọc Trịnh, nếu khó khăn về đơn hàng tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp rất khó đủ lực để bù giá giữ đơn hàng, duy trì sản xuất. Không có đơn hàng sản xuất cũng đồng nghĩa với việc người lao động phải nghỉ việc, điều này không chỉ áp lực với doanh nghiệp mà còn là gánh nặng an sinh với Nhà nước khi số lao động thất nghiệp gia tăng.

Chính vì vậy, ông Trịnh cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như tiếp tục duy trì chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) 8%, cho phép doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội 1 - 2 tháng./.

Cùng chuyên mục
  • Một số giải pháp tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản 625/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang về kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 và một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
  • Bài 5: Phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển văn hóa
    một năm trước Xã hội
    Thời gian qua, chính sách, pháp luật về đất đai liên quan lĩnh vực văn hóa đã cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, giúp định hướng, khuyến khích phát triển văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa của đông đảo nhân dân, bên cạnh đó nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các chính sách này còn nảy sinh bất cập, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần sớm khắc phục, hoàn thiện để thúc đẩy sự phát triển của văn hóa.
  • Rà soát, sửa đổi các quy định để chặn tiêu cực trong đăng kiểm
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), cả nước hiện có 31 đơn vị đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động. Trong đó, Hà Nội chiếm số lượng nhiều nhất với 11 trung tâm, TP. Hồ Chí Minh có 6 trung tâm, Thái Bình có 2 trung tâm…
  • Triển khai xây dựng Sàn Giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Lần đầu tiên, sàn giao dịch quy mô quốc gia về thông tin công nghệ được hình thành để giới thiệu, kết nối, chào bán, tìm mua thiết bị, công nghệ mới. Trong thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) sẽ triển khai xây dựng dự án nâng cấp Sàn Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị thành Sàn Giao dịch công nghệ quốc gia tại Hà Nội. Đây cũng là điểm kết nối các tổ chức, cá nhân và là cơ hội hợp tác đóng góp trực tiếp vào việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam.
  • Gỡ “nút thắt” để thúc đẩy cải tạo chung cư cũ
    một năm trước Xã hội
    (BKTO) - Hiện nay, trên cả nước tồn tại rất nhiều khu chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, xuống cấp nghiêm trọng cần phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “nút thắt” khiến công tác cải tạo chung cư cũ thời gian qua đạt kết quả chưa cao.
Lương, phúc lợi xã hội - mối quan tâm hàng đầu của người lao động