Cán bộ là then chốt của then chốt

(BKTO) - Xác định “cán bộ là then chốt của then chốt”, năm 2024, Kiểm toán nhà nước (KTNN) luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt tuyển dụng, đưa công tác luân chuyển, điều động đi vào nền nếp… KTNN còn được giao nhiệm vụ cho ý kiến đối với quy hoạch nhân sự cấp chiến lược thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Điều này đã thể hiện vai trò và uy tín của Ngành.

7.jpg
KTNN luôn quan tâm phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: TL

Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cấp chiến lược

Những năm qua, Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN luôn coi trọng, quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức để bổ sung nguồn nhân lực cho Ngành. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Văn Tạo cho biết, năm 2024, KTNN đã đổi mới trong công tác tuyển dụng bằng hình thức thi viết kết hợp phỏng vấn tại vòng 2 để tạo cơ hội cho thí sinh phát huy năng lực, sở trường.

Chúng ta phải thay đổi công tác đánh giá cán bộ, bởi cán bộ là then chốt của then chốt. Chúng ta phải lượng hóa, định lượng không định tính. Đối với lãnh đạo cấp Vụ, cấp Phòng phải thêm tiêu chí “3 tốt” - đạo đức tốt, chuyên môn tốt, khả năng tập hợp quần chúng tốt, và “2 ưu tiên” - độ tuổi, ngoại ngữ...

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Kết quả, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành các quyết định tuyển dụng 17 công chức, viên chức. Cùng với đó, Tổng Kiểm toán nhà nước đã quyết định bổ nhiệm các ngạch Kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) đối với 164 công chức trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch, chuyển ngạch KTVNN năm 2023 và bổ nhiệm 5 công chức vào ngạch chuyên viên chính.

Cũng trong năm 2024, KTNN đã thực hiện quyết liệt, đưa công tác luân chuyển, điều động đi vào nền nếp, trở thành công việc thường xuyên, có tính chất lâu dài. Việc điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ trong diện quy hoạch được thực hiện một cách chặt chẽ, bài bản, khoa học đã tạo được những kết quả nhất định trong công tác cán bộ. Công tác bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng hướng dẫn của Trung ương. Trong năm, KTNN đã quyết định điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kéo dài thời gian giữ chức vụ đến tuổi nghỉ hưu đối với 53 công chức lãnh đạo cấp Vụ, 204 công chức lãnh đạo cấp Phòng, 19 công chức không giữ chức vụ lãnh đạo; thực hiện quy trình bổ sung quy hoạch chức danh Tổng Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2026-2031, quy trình bổ nhiệm quyết định đưa ra, duy trì và bổ sung quy hoạch công chức lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2021-2026 và 2026-2031 của KTNN theo quy định.

Thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ngày 20/12/2024, KTNN đã ban hành Quyết định số 1996/QĐ-KTNN về việc thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” của KTNN do Tổng Kiểm toán nhà nước làm Trưởng Ban Chỉ đạo; hoàn thành xây dựng Đề án tổ chức lại Trung tâm Tin học sang mô hình đơn vị cấp Cục, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết về việc thành lập Cục Công nghệ thông tin trực thuộc KTNN tại Phiên họp thứ 32 ngày 23/4/2024 của UBTVQH; trình UBTVQH về việc cho ý kiến đối với Đề án vị trí việc làm của KTNN...

Đặc biệt, năm 2024, KTNN đã gửi ý kiến đối với các nhân sự quy hoạch cấp chiến lược theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 và rà soát đối với nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031 của KTNN. Điều này khẳng định, KTNN đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp những thông tin đáng tin cậy về hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý tài chính công, tài sản công cũng như tuân thủ pháp luật, qua đó giúp các cấp có thẩm quyền thông qua các quyết định có căn cứ, có trách nhiệm đối với những tập thể, cá nhân trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cấp chiến lược. Bình luận vấn đề này, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương khẳng định: “Tôi rất mừng khi KTNN là một trong những cơ quan được góp ý kiến về các nhân sự cho các chức vụ mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Điều này là một uy tín tuyệt đối. Mỗi đảng viên, cán bộ, KTV phải lấy đây là niềm tự hào, là vinh dự và hãy giữ được niềm tin ấy”.

Việc đánh giá cán bộ phải đảm bảo thực chất, đúng người, đúng việc

Nhằm nâng cao năng lực và kỹ năng cho cán bộ, công chức, KTV, KTNN đã triển khai kịp thời, có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2024. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng bám sát mục tiêu kiểm toán năm 2024, cập nhật các chính sách, chế độ mới liên quan đến từng lĩnh vực kiểm toán, hình thức đào tạo phong phú... Cùng với đó, KTNN thường xuyên tổ chức Hội thảo khoa học, tọa đàm chuyên môn, đào tạo trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ công chức, viên chức; đồng thời ban hành 2 giáo trình, 7 tài liệu bồi dưỡng, tổ chức triển khai biên soạn bổ sung, sửa đổi và xây dựng mới 14 Chương trình, tài liệu bồi dưỡng của Ngành. Đặc biệt, KTNN đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng kỹ năng nắm bắt tâm lý đối tượng kiểm toán khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán; 3 lớp bồi dưỡng kiến thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, Nhà nước; cử nhiều lượt cán bộ, công chức tham gia các Đoàn công tác, học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài, tham gia các chương trình nâng cao năng lực của các cơ quan kiểm toán tối cao INTOSAI, ASOSAI.

Đáng chú ý, thời gian qua, KTNN rất chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá năng lực của KTV nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ngay từ đầu năm 2024, KTNN đã tổ chức thành công đợt đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động kiểm toán, làm cơ sở cho việc bố trí nhiệm vụ kiểm toán năm 2024 cho công chức, KTV toàn Ngành. Đồng thời, hằng năm, KTNN cũng tiến hành xây dựng bổ sung, sửa đổi ngân hàng câu hỏi đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ để kịp thời cập nhật chính sách pháp luật của Nhà nước phục vụ cho việc học tập, nâng cao trình độ của KTV.

Năm 2025, KTNN xác định thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Việc đánh giá cán bộ phải đảm bảo thực chất, được lượng hóa cụ thể, đúng người, đúng việc nhằm tạo động lực cho sự phát triển nguồn nhân lực theo yêu cầu giai đoạn tới. Bên cạnh đó, có chính sách tuyển dụng, đãi ngộ để thu hút nhân tài; thực hiện hợp lý công tác luân chuyển cán bộ theo quy định.

Song song với đó, KTNN sẽ nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Ngành đảm bảo thiết thực, đúng nhu cầu theo từng loại đối tượng, trong đó tiếp tục chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho công chức, KTVNN; kiện toàn đội ngũ giảng viên, báo cáo viên, đảm bảo truyền đạt tốt về lý thuyết và thực tiễn; đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, tăng cường trao đổi, thảo luận, phù hợp với từng đối tượng./.

Cùng chuyên mục
Cán bộ là then chốt của then chốt