Cần có giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi

(BKTO) - Tại Việt Nam, ngành chăn nuôi đang đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường trong ngành chăn nuôi đang ngày càng trầm trọng khi đa phần nông dân không có biện pháp để xử lý chất thải mà xả trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí, đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của người dân.



40% chất thải không quaxử lý thải ra môi trường

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện Việt Nam có khoảng 12 triệu hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi với 23.500 trang trại chăn nuôi tập trung. Trong đó, chăn nuôi lợn có khoảng 4 triệu hộ, chăn nuôi gia cầm khoảng 8 triệu hộ với tổng đàn khoảng 362 triệu con gia cầm, 29 triệu con lợn và 8 triệu con gia súc.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên & Môi trường - TN&MT) Hoàng Văn Thức cho rằng, thực trạng ô nhiêm môi trường do chất thải chăn nuôi đang ngày càng nghiêm trọng, xuất phát từ việc xử lý chất thải động vật và sử dụng thức ăn thương phẩm chưa tốt. Chỉ tính riêng nước thải chăn nuôi ra môi trường mỗi ngày đã lên đến 680 triệu m3.

Đáng chú ý, trong số đó, chỉ có 60% được xử lý nhưng không đạt chuẩn cho phép; còn lại 40% không qua xử lý, thải thẳng ra môi trường. Đây là nguyên nhân khiến nguồn nước mặt, nước ngầm, đất và cả không khí xung quanh khu vực có hoạt động chăn nuôi bị ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Hiện nay, hệ thống các văn bản về quản lý, bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải trong chăn nuôi đã dần được hoàn thiện; công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi không ngừng được bổ sung, nâng cấp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, một trong những bất cập hiện nay là vẫn chưa có quy định cụ thể về tái sử dụng nước thải chăn nuôi vào mục đích gì (trồng trọt, nuôi trồng thủy sản). Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở chăn nuôi chưa được chú trọng.

Mặt khác, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi còn cao so với khả năng ứng dụng thực tế, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường hiện tại. Điều này dẫn đến hầu hết các trang trại đều không thể đáp ứng yêu cầu đặt ra do chưa có công nghệ xử lý môi trường hiệu quả để theo kịp các quy định về xả thải môi trường.

Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách pháp luật về quản lý môi trường, xử lý chất thải chăn nuôi, đại diện lãnh đạo một số địa phương cho hay, phần lớn các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ không đủ điều kiện về tài chính để thực hiện đầu tư, vận hành các công trình xử lý chất thải đạt quy chuẩn về môi trường. Trong khi đó, ngân sách của địa phương hầu hết hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế cho hoạt động bảo vệ môi trường.

Hoàn thiện các quy địnhvề xử lý chất thải chăn nuôi

Tại Hội thảo “Quản lý bảo vệ môi trường chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi - Thực trạng và giải pháp” do Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới, cần quản lý quy hoạch chăn nuôi theo lộ trình, xoá bỏ dứt điểm các loại hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu vực; quy định chặt chẽ về quy trình thủ tục, yêu cầu kỹ thuật lưu giữ, quản lý và xử lý nhằm tái chế chất thải chăn nuôi thành thức ăn thuỷ sản hoặc phân bón; đồng thời, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường riêng cho lĩnh vực chăn nuôi.

Để giải quyết thực trạng ô nhiễm báo động trong ngành chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ này xây dựng Dự án Luật Chăn nuôi và Luật Trồng trọt để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp tháng 5/2018. Theo đó, Dự án Luật sẽ bổ sung nhiều quy chuẩn để công nhận chất thải lỏng trong chăn nuôi được sử dụng như một loại phân hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.

Ông Tám còn cho rằng, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, công nghệ cho các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực chăn nuôi, tạo điều kiện cho họ có thể tiếp cận với các phương pháp xây dựng hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi; tăng cường các chế tài xử lý, đủ sức răn đe đối với các cơ sở không thực hiện nghiêm việc bảo vệ môi trường và xử lý chất thải trong chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị, Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để quản lý và sử dụng chất thải chăn nuôi làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ, phân vi sinh. Dự kiến, tháng 4/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về vấn đề liên quan đến chất thải, trong đó có chất thải chăn nuôi nhằm tìm ra những giải pháp hiệu quả để vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo đảm lợi ích cho DN, hộ chăn nuôi, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 12 ra ngày 22-3-2018
Cùng chuyên mục
  • Thị trường bất động sản 2018: Thách thức và cơ hội
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2018, thị trường bất động sản (BĐS) được dự đoán sẽ bước vào cuộc chơi mới nhiều thách thức, cạnh tranh hơn đối với các DN. Tuy nhiên, đây cũng sẽ là những cơ hội lớn cho các DN BĐS bứt tốc.
  • Tiềm năng thị trường và chính sách tạo động lực cho doanh nghiệp tăng trưởng
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Năm 2017 để lại nhiều dấu ấn với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nền tảng kinh tế vĩ mô dần cải thiện. Điều này tạo điều kiện cho các DN tiếp tục phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng trong năm 2018. Tuy nhiên, giá trị gia tăng mà các DN tạo ra còn ở mức thấp và năng lực cạnh tranh của nhiều DN chưa theo kịp xu hướng thị trường. Để tạo nên những bứt phá nổi bật, tăng trưởng đến từ nội lực của DN là điều kiện tiên quyết, nhưng không thể thiếu được sự hỗ trợ chính sách từ phía Chính phủ.
  • Thống nhất đầu mối quản lý cạnh tranh
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trong khuôn khổ Phiên họp thứ 22, chiều 13/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV đã cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của Dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Trên cơ sở nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH tập trung thảo luận, làm rõ các quy định về phạm vi điều chỉnh, mô hình cơ quan cạnh tranh, những hành vi bị cấm… trong Dự thảo Luật.
  • Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô kêu khó
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Nhằm tạo cơ chế, chính sách tốt hơn để thu hút các DN trong và ngoài nước đầu tư sản xuất ô tô chất lượng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP (Nghị định 116) quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có Thông tư số 03/2018/TT-BGTVT (Thông tư 03) hướng dẫn thực hiện Nghị định này. Tuy nhiên, sau khi các văn bản trên được ban hành, nhiều DN đã đưa ra các ý kiến phản hồi khác nhau.
  • Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Nỗ lực vượt khó khăn để bước vào giai đoạn phát triển mới
    6 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục phải ứng phó trong thời gian tới, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng thời bày tỏ sự tin tưởng Tập đoàn sẽ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2018 và những năm tiếp theo, có nhiều đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước.
Cần có giải pháp xử lý chất thải trong chăn nuôi