Kiểm toán giúp ngăn ngừarủi ro, thất thoát
Trong bối cảnh NSNN còn nhiều khó khăn, mục tiêu đầu tư hoàn thiện, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, dịch vụ công gặp nhiều trở ngại, sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này theo phương thức PPP đã góp phần làm giảm gánh nặng đầu tư công cho Nhà nước. Tính đến cuối năm 2018, cả nước đã thực hiện 336 dự án PPP, trong đó có 140 dự án theo phương thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), 188 dự án theo phương thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) và 8 dự án áp dụng phương thức hợp đồng khác. Qua đó đã huy động được khoảng 1,609 triệu tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Những dự án PPP thời gian qua đã góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, đô thị, xử lý nước thải, rác thải..., kịp thời giải quyết các nhu cầu bức thiết của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, kết quả giám sát của Quốc hội cũng như kết quả thanh tra, kiểm toán đối với các dự án PPP cho thấy, việc triển khai trong thực tế còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, từ năm 2016 đến 2019, KTNN đã thực hiện kiểm toán 84 dự án BOT giao thông và 50 dự án BT. Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện sai phạm và kiến nghị xử lý tài chính hơn 13.700 tỷ đồng, trong đó, nhiều dự án có tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lên đến gần 30% giá trị được kiểm toán. Đồng thời, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án BOT là 300 năm. Cùng với đó, hàng loạt vấn đề được KTNN phát hiện qua kiểm toán, như: việc lựa chọn nhà thầu không minh bạch, không có tính cạnh tranh, chủ yếu là chỉ định thầu; bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí; chất lượng công trình kém, trong khi đất đai hoán đổi được chỉ định, giá đất định giá thấp hơn rất nhiều giá đất thị trường, từ đó làm thất thoát tài sản, NSNN. Ngoài ra, công tác giám sát quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo; chưa rõ ràng về cơ chế minh bạch thông tin cơ bản của hợp đồng PPP được ký kết; chế tài xử lý vi phạm của nhà đầu tư cũng như cơ quan có liên quan phía Nhà nước còn thiếu, chưa chặt chẽ...
Qua kiểm toán, KTNN còn chỉ ra nhiều bất cập trong các quy định, chính sách hiện hành liên quan đến dự án PPP; từ đó kiến nghị thay thế, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản, quy định.
Những bất cập, hạn chế trong thực hiện dự án PPP sau khi được KTNN chỉ ra đã được Đảng, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao; nhân dân đồng tình, ủng hộ. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý và đại biểu Quốc hội cho rằng, nếu các dự án BOT, BT thời gian qua không được kiểm toán thì số tiền thất thoát sẽ rất lớn, mức độ chịu phí sẽ đè nặng lên đầu người dân, DN và NSNN sẽ bị thất thoát. Do đó, yêu cầu cấp thiết được đặt ra là phải tăng cường kiểm toán đối với lĩnh vực này, từ đó góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương, lành mạnh nền tài chính quốc gia; cũng như phát huy tốt nhất giá trị và lợi ích của các dự án PPP.
KTNN cần có vai trò kiểm toán toàn diện và xuyên suốt đối với các dự án PPP
Những kết quả mang lại từ việc thực hiện dự án PPP thời gian qua đã khẳng định tính đúng đắn của chủ trương thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ công. Đảng, Nhà nước cũng đã có chủ trương về việc hoàn thiện chính sách đầu tư theo phương thức PPP. Trong đó, việc sớm ban hành Luật PPP nhằm đảm bảo khung pháp lý cao hơn về PPP, thay vì các quy định ở cấp nghị định vốn có nhiều biến động, là cần thiết lúc này.
Hiện, Luật PPP đang được xây dựng, lấy ý kiến và dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới đây. Bên cạnh những quy định mới thể hiện sự chặt chẽ, phù hợp đáng ghi nhận trong việc góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với phương thức PPP, Dự thảo Luật PPP lại làm giảm đi vai trò của KTNN, Thanh tra Chính phủ trong việc thực hiện kiểm toán, thanh tra các dự án PPP. Cụ thể, trong Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, tại Điều 80 có nêu: “KTNN thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại Điều 65 và Điều 67 của Luật này”. Theo đó, KTNN sẽ chỉ có thẩm quyền kiểm toán trong phạm vi vốn nhà nước chi để hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Cho ý kiến về quy định này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, sản phẩm của dự án PPP là tài sản công. Vì vậy, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý và cung cấp dịch vụ công của Nhà nước với người dân và xã hội, Dự thảo Luật cần quy định KTNN có quyền kiểm toán toàn bộ dự án PPP mà không giới hạn như quy định tại Điều 65, 67. Thậm chí, có đại biểu còn đề nghị tăng cường công tác kiểm toán hoạt động đối với dự án PPP, từ đó kịp thời phát hiện các sai sót để chấn chỉnh.
Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương), về bản chất, dự án PPP là dự án đầu tư công Nhà nước giao cho nhà đầu tư thực hiện. Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí cho nhà đầu tư, thay vào đó Nhà nước cho phép nhà đầu tư được thu phí tổ chức, cá nhân sử dụng kết cấu hạ tầng hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất. Chi phí đầu tư là cơ sở để xác định thời gian, mức thu phí đối với dự án. Vì vậy, nếu không kiểm tra, giám sát chi phí đầu tư thì làm sao xác định được mức thu phí, thời gian thu phí đối với công trình là phù hợp. Dẫn kết quả kiểm toán đối với các dự án BT, BOT thời gian qua, đại biểu Hoàng Quốc Thưởng đặt câu hỏi: “Kết quả kiểm toán của KTNN được dư luận rất đồng tình, ủng hộ. Vậy, lý do gì Dự thảo Luật lại quy định không cho KTNN kiểm toán dự án PPP mà chỉ được kiểm toán với phần vốn do Nhà nước hỗ trợ?”.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, một số quy định hiện hành liên quan đến dự án PPP còn chưa đầy đủ, rõ ràng và có một số vấn đề cần được thống nhất về nhận thức để có cơ sở hoàn thiện Dự thảo Luật PPP.
Thứ nhất, bản chất của dự án PPP là nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công (trong Dự thảo Luật ghi nhận rõ điều này), Nhà nước giao cho nhà đầu tư thực hiện, nhằm mục đích cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công thông qua đầu tư vốn hoặc quản lý của tư nhân. Vì vậy, tài sản, dịch vụ do dự án PPP tạo ra là tài sản công và dịch vụ công nên cần phải quản lý chặt chẽ trước, trong và sau khi hoàn thành.
Thứ hai, Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh chủ trương thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển dịch vụ công; đi đôi với đó là tăng cường vai trò giám sát của Nhà nước, nhân dân nhằm đảm bảo minh bạch, hiệu quả, tránh nguy cơ thất thoát tài sản công và nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Thứ ba, xét từ bản chất của dự án PPP, sự tham gia kiểm toán của KTNN đối với dự án PPP là thực hiện đúng chức năng của KTNN được Hiến định, đó là “thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”. Kết quả kiểm toán đối với các dự án PPP thời gian qua của KTNN đã được Đảng, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Vì vậy, công tác kiểm toán đối với các dự án PPP cần tiếp tục được thực hiện một cách toàn diện nhằm minh bạch, xác nhận đúng giá trị của dự án làm cơ sở cho việc thanh toán cho nhà đầu tư chính xác; đồng thời chia sẻ rủi ro với nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.
Phố Hiến