Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc
- Trước hết, khẳng định rằng KTNN là công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong công tác PCTN; như vậy, công tác PCTN là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của KTNN.
Nhận thấy rõ vai trò quan trọng của công tác này, những năm qua, Ban cán sự đảng KTNN đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN (Ban Chỉ đạo); xây dựng kế hoạch thực hiện các chỉ thị, kế hoạch của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo và chỉ đạo kịp thời đối với công tác này.
Xác định PCTN là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Ngành, hằng năm, KTNN đều ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm, trong đó phân giao rõ trách nhiệm cho các đơn vị trực thuộc để chủ động triển khai; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán; đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ PCTN trong toàn Ngành.
Năm qua, thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng KTNN đã ban hành Chỉ thị số 110-CT/BCSĐ ngày 30/01/2019 về việc tăng cường công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và ban hành Chỉ thị Tăng cường chấn chỉnh nội bộ ngành kiểm toán, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, kịp thời chuyển cơ quan điều tra xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, năm 2019, KTNN đã kịp thời ban hành 3 Công điện liên quan đến việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường các biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động kiểm toán. Trong đó, lãnh đạo KTNN yêu cầu thủ trưởng các đơn vị trực thuộc tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán; rà soát, đánh giá và báo cáo kịp thời Ban cán sự đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước những công chức, viên chức, kiểm toán viên không đủ phẩm chất đạo đức, có dấu hiệu hoặc có dư luận về tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho đơn vị được kiểm toán, lợi dụng nhiệm vụ để vụ lợi, hoặc bỏ sót, cố tình làm sai lệch, giảm bớt kết quả kiểm toán để có biện pháp xử lý nghiêm minh... Như vậy, ngành KTNN đã đẩy mạnh chống tham nhũng đối với các đơn vị được kiểm toán thông qua hoạt động kiểm toán và chống tham nhũng ngay trong nội bộ của KTNN.
Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN đã giúp cho công tác PCTN đạt được những kết quả ra sao, thưa Tổng Kiểm toán Nhà nước?
- Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN, trong những năm qua, toàn Ngành đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, góp phần tích cực vào công tác PCTN của Đảng và Nhà nước.
Cụ thể, đối với nội bộ ngành KTNN: KTNN đã thực hiện công khai, minh bạch công tác: tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức; đánh giá công chức; kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Toàn Ngành tuân thủ nghiêm túc Quy định về quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, học tập đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành KTNN; chú trọng công tác thanh tra, kiểm soát để tăng cường quản lý, chấn chỉnh kịp thời các thiếu sót, yếu kém trong hoạt động kiểm toán; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quản lý chặt chẽ biên chế, đề bạt cán bộ gắn với đạo đức, năng lực, thành tích.
Về thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, tổng hợp kết quả kiểm toán trong 25 năm hoạt động, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 413.145 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, thay thế, hủy bỏ hoặc bổ sung hàng nghìn văn bản không còn phù hợp với quy định chung của pháp luật hoặc thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí, góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý tài chính công, tài sản công; chuyển nhiều vụ việc cho cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật. Nổi bật trong việc chỉ ra lỗ hổng thất thoát và đã kiến nghị ngăn chặn như: trong giai đoạn 2016-2019, qua kiểm toán đối với 81 dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) đường giao thông, KTNN đã kiến nghị giảm 300 năm thu phí; đối với các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), KTNN kiến nghị giảm từ 20 đến 35 lần so với hợp đồng (như: dự án chống ngập do triều cường; các dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên và Cát Linh - Hà Đông; Dự án Nhà máy Nước Yên Sở...).
Riêng năm 2019, KTNN đã kiến nghị: xử lý tài chính 72.837 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, thay thế 154 văn bản; xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân liên quan. Đáng lưu ý, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo, KTNN đã hoàn thành một số cuộc kiểm toán với nhiều phát hiện, kiến nghị nổi bật.
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 82 bộ hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Để nâng cao hiệu quả PCTN, KTNN thường xuyên chủ động phối hợp tốt với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tội phạm thông qua hoạt động kiểm toán. Trong năm 2019, KTNN đã báo cáo định kỳ, đột xuất về công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan liên quan để kịp thời chỉ đạo công tác PCTN hiệu lực, hiệu quả hơn, hoàn thiện cơ chế, chính sách, bịt chỗ hổng thất thoát; công tác chống tham nhũng phát hiện sai phạm trong quá trình kiểm toán…
Để phát huy hơn nữa kết quả đạt được trên, là thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN, Tổng Kiểm toán Nhà nước có những chỉ đạo, định hướng gì đối với KTNN trong thời gian tới?
- Nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của KTNN trong PCTN, toàn Ngành cần tiếp tục xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Trên tinh thần đó, năm 2020, KTNN cần triển khai tốt một số nhiệm vụ sau:
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư - Trưởng ban Chỉ đạo, Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”, Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Chỉ đạo và Ban cán sự đảng KTNN; tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán, phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, các chương trình, dự án trọng điểm, lĩnh vực thuế, tài chính ngân hàng, đất đai, khoáng sản, dự án đầu tư xây dựng cơ bản…
Tổng kết công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán để xác định các chủ trương, định hướng lãnh đạo, chỉ đạo trong giai đoạn mới, cụ thể hóa vào Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp của KTNN.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật PCTN năm 2018, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 và các quy định của pháp luật hình sự cho công chức, viên chức, kiểm toán viên trong Ngành để nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật trong thực hiện nhiệm vụ.
Tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán nổi cộm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm; tập trung phát hiện bất cập chính sách pháp luật để kiến nghị hoàn thiện kịp thời, chống thất thoát, lãng phí từ lỗ hổng chính sách.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của kiểm toán viên nhà nước; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm kỷ luật, nội quy cơ quan, lợi dụng, tham nhũng.
Tập trung kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN theo đúng quy định của pháp luật.
Tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan có chức năng đấu tranh PCTN. Kịp thời chuyển, cung cấp hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Xin trân trọng cảm ơn Tổng Kiểm toán Nhà nước!
NGỌC MAI (thực hiện)