Cân đối đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đầu tư nhằm thông tuyến đường Hồ Chí Minh

(BKTO) – Tổng Thư ký Quốc hội vừa ban hành Thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về Báo cáo kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” và Thông báo Kết luận của UBTVQH về báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.



Đề xuất những kiến nghị cụ thể để thực hiện hiệu quả chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính

Thông báo Kết luận của UBTVQH về Báo cáo kết quả bước đầu việc thực hiện giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021” nêu rõ: UBTVQH cơ bản tán thành với kết quả bước đầu của cuộc giám sát và dự kiến Kế hoạch khảo sát tại địa phương của Đoàn giám sát; đồng thời, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Đoàn giám sát, ghi nhận tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ của Chính phủ, các Bộ, ngành, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc xây dựng các báo cáo, tài liệu theo yêu cầu của Đoàn giám sát.
                
   

UBTVQH xem xét báo cáo của Đoàn giám sát về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021. Ảnh: TTXVN

   

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, UBTVQH thống nhất giao Đoàn giám sát tiếp thu tối đa ý kiến của UBTVQH để thực hiện tốt nhất kết quả giám sát; khẩn trương tiến hành việc khảo sát tại một số địa phương và làm việc với các Bộ, ngành liên quan để làm rõ thêm những vấn đề thuộc nội dung chuyên đề giám sát, đánh giá chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở, đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước, hiệu quả việc sử dụng NSNN và việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở các đơn vị hành chính sau sắp xếp.

Trên cơ sở đó, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát thể hiện đầy đủ, toàn diện cả những kết quả đạt được và những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết của UBTVQH về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 (kèm theo các số liệu, bảng biểu thống kê minh họa thuyết phục), chỉ ra nguyên nhân của các bất cập, hạn chế, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất những kiến nghị cụ thể để thực hiện hiệu quả chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022-2030 cũng như việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan.

UBTVQH đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Đoàn giám sát trong việc chuẩn bị báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu cần thiết theo yêu cầu của Đoàn giám sát, bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ và tham gia các hoạt động của Đoàn giám sát khi có yêu cầu.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các Đoàn giám sát trong việc tổng hợp, tham mưu cho UBTVQH điều hòa hoạt động khảo sát tại các địa phương và làm việc trực tiếp với Bộ, ngành Trung ương, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lặp về thời điểm; bảo đảm thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Rà soát nhu cầu, đánh giá hiệu quả đầu tư các đoạn tuyến còn lại của Dự án đường Hồ Chí Minh

Tại Thông báo Kết luận của UBTVQH về báo cáo của Chính phủ về tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 đến năm 2020-2021 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, UBTVQH ghi nhận nỗ lực của Chính phủ và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh. Đây là tuyến đường có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia.                
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung thảo luận của UBTVQH cho ý kiến về tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Ảnh: quochoi.vn

Việc cơ bản hoàn thành dự án đã góp phần phát triển đất nước, đặc biệt là đối với các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ. Đồng thời, việc hoàn thành mục tiêu thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe là thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các vùng chiến khu, kháng chiến. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 02 năm nhưng vẫn còn một số đoạn tuyến chưa được hoàn thành để nối thông toàn tuyến.

Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án còn có những hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc. UBTVQH đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ, toàn diện và tổ chức rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Dự án không đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội; cần làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của Trung ương, địa phương.

UBTVQH thống nhất trình Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến đối với báo cáo tổng thể của Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 của Quốc hội, đồng thời xem xét, quyết định các nội dung liên quan tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022. Theo đó, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, ý kiến tham gia của UBTVQH để hoàn chỉnh báo cáo theo hướng thực hiện tiếp các đoạn tuyến đang dở dang và tổng kết, đánh giá kết thúc dự án, thực hiện quyết toán dự án theo quy định.

Đối với các đoạn tuyến còn lại, Chính phủ rà soát nhu cầu, đánh giá hiệu quả đầu tư trong điều kiện có nhiều tuyến đường đã và đang triển khai, sự phù hợp với quy hoạch giao thông và khả năng cân đối của NSNN, khả năng huy động nguồn lực của xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định theo từng đoạn tuyến. Về nguyên tắc, đối với các đoạn tuyến cụ thể, phải bố trí vốn để hoàn thành toàn tuyến theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trước mắt, Chính phủ cần rà soát, sắp xếp lại Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để cân đối đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đầu tư đoạn Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn kết nối giao thông của An toàn khu Định Hóa-Thái Nguyên; đoạn Rạch Sỏi-Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận kết nối giao thông đồng bằng sông Cửu Long nhằm thông tuyến đường Hồ Chí Minh quy mô 2 làn xe. Đồng thời, cần rà soát, báo cáo làm rõ về việc đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến có nằm trong phạm vi đường Hồ Chí Minh cần hoàn thành theo Nghị quyết của Quốc hội hay không và có đề xuất cụ thể về bố trí vốn cho đoạn tuyến này.

Chính phủ cũng cần chú ý công tác bảo dưỡng, chống xuống cấp ở một số đoạn, tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại của các dự án, các tuyến đã được đầu tư ở khu vực Tây Nguyên, nhất là việc di dời trạm thu phí ở Đắk Lắk.

UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, hoàn thiện hồ sơ, báo cáo gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) để thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022. Đồng thời, đề nghị Bộ Giao thông vận tải xây dựng một bộ phim ngắn về quá trình đầu tư, triển khai Dự án, trong đó nêu rõ các vấn đề còn hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc hiện nay, nguyên nhân chủ yếu, bài học kinh nghiệm và phương hướng, kế hoạch, giải pháp khắc phục trong thời gian tới để trình chiếu tại kỳ họp.

UBTVQH yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung Kết luận trên./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Cân đối đầy đủ, kịp thời nguồn vốn đầu tư nhằm thông tuyến đường Hồ Chí Minh