Cần đột phá về năng suất lao động để nền kinh tế “cất cánh”

(BKTO) - Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để hiện thực hóa những mục tiêu khát vọng này thì “chìa khóa” chính là nâng cao năng suất lao động (NSLĐ).



Tốc độ tăng NSLĐ còn khiêm tốn và không ổn định

Ngày 28/4, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Năng suất lao động ở Việt Nam: Nguồn gốc và thách thức cho tăng trưởng”.
                
   

Quang cảnh Hội thảo

   

Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong việc cải thiện NSLĐ những năm gần đây, nhờ đó NSLĐ của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể.

Theo đó, về giá trị tuyệt đối, NSLĐ năm 2020 tính theo giá so sánh năm 2010 tăng 5,4%, đạt mức 117,94 triệu đồng/lao động theo giá hiện hành (tương đương 5.081 USD/lao động). NSLĐ của Việt Nam bình quân giai đoạn 2016 - 2020 tăng 5,8%/năm, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (4,3%) và vượt mục tiêu đề ra (5%).

Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) bình quân 5 năm đạt khoảng 45,2% (mục tiêu đề ra là 30 - 35%). Mô hình tăng trưởng dần chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, giảm dần sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, xuất khẩu thô, lao động giá rẻ, mở rộng tín dụng…, từng bước chuyển sang dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng cho biết, mặc dù NSLĐ toàn nền kinh tế của Việt Nam đã và đang tăng qua các năm, song tốc độ tăng còn khiêm tốn và không ổn định.

“Không giống như các nước đã đạt được sự phát triển cao về kinh tế ở châu Á, Việt Nam chưa trải qua giai đoạn tăng lên rất nhanh về năng suất, đây là điều cho phép một nền kinh tế cất cánh đến thu nhập cao. Do vậy, kết quả tăng trưởng năng suất của Việt Nam trong quá khứ là tốt nhưng chưa ngoạn mục. Vì điều này, tốc độ đuổi kịp của Việt Nam với các nền kinh tế thu nhập cao đã bị chậm lại” – ông Lộc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), tiến trình NSLĐ của Việt Nam cũng còn nhiều điểm hạn chế. Cụ thể là, khi nhìn vào phân loại theo 3 nhóm ngành lớn, tăng trưởng NSLĐ cao nhất trong khu vực công nghiệp và xây dựng, theo sau đó là khu vực dịch vụ.

Trong khi đó, khu vực nông, lâm và thủy sản có tốc độ tăng trưởng NSLĐ cũng như mức NSLĐ thấp nhất. Tuy vậy, tăng trưởng NSLĐ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành xây dựng (những ngành đóng góp gần 42% vào GDP) lại không ấn tượng theo các tiêu chuẩn toàn cầu, thậm chí tăng trưởng bắt đầu suy giảm quanh năm 2001 khi Việt Nam vẫn còn là một nước thu nhập thấp.

“Sau khi tăng trưởng nhanh chóng trong thập niên 1990, NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chững lại trong thập niên 2000 và thập niên 2010. Sự suy giảm này là quá sớm, bởi lẽ sự năng động của ngành chế biến, chế tạo nên kéo dài ít nhất trong vài thập niên để đưa Việt Nam lên mức thu nhập cao” – ông Thành nói.

Ngoài ra, xét theo thành phần sở hữu, NSLĐ của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã giảm đáng kể bắt đầu từ đầu thập niên 2000, trong khi NSLĐ của khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước đã tăng ổn định. Mức thấp và thậm chí là suy giảm của NSLĐ khu vực FDI là đáng ngạc nhiên, vì khu vực FDI được cho là mang lại công nghệ cao cùng sự cạnh tranh toàn cầu cho Việt Nam và đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong nước, nhưng rõ ràng điều này đã không xảy ra như mong đợi.

“Một phần lớn dòng vốn FDI ưa chuộng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong những năm đầu của thập niên 2000, cơ cấu các dự án sản xuất có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chuyển mạnh từ các dự án thâm dụng vốn sang thâm dụng lao động có NSLĐ tương đối thấp. Kết quả đáng thất vọng của NSLĐ khu vực FDI có thể giải thích phần lớn tại sao NSLĐ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hầu như không tăng kể từ năm 2001 và tại sao các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không thể tham gia một cách đúng nghĩa vào chuỗi giá trị toàn cầu” – ông Thành chia sẻ.

Năng suất là yếu tố động lực cốt lõi dẫn dắt sự thịnh vượng bền vững

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là 5,11%, cao hơn mức trung bình của ASEAN (3,11%) và cao hơn hầu hết các quốc gia ASEAN, chỉ đứng sau Campuchia. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn mức tăng của Trung Quốc (7%) và Ấn Độ (6%).

Đặc biệt, mặc dù Việt Nam có mức tăng trưởng NSLĐ cao, nhưng chưa đủ nhanh để có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia khác. NSLĐ của Việt Nam năm 2020, theo ước tính của ILO, thấp hơn 7 lần so với Malaysia, 4 lần so với Trung Quốc, 3 lần so với Thái Lan, 2 lần so với Philippines và 26 lần so với Singapore.

Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cũng nêu rõ, NSLĐ Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Điều này cho thấy Việt Nam cần phải có nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện NSLĐ quốc gia, bởi năng suất là yếu tố động lực cốt lõi dẫn dắt sự thịnh vượng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Trước thực trạng trên, đưa ra khuyến nghị để cải thiện NSLĐ quốc gia trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có thể học tập về năng suất từ các quốc gia khác trong khu vực mà đã đạt được những thành tích ấn tượng trong tăng NSLĐ. Tuy nhiên, việc học hỏi không được thụ động mà phải do phía Việt Nam làm chủ và phát huy hiệu quả.

Đồng thời, Việt Nam có thể học tập khía cạnh kỹ thuật của năng suất từ người nước ngoài, nhưng phải tự tạo ra cơ chế hành chính và thể chế để phổ biến các thực hành tốt, phù hợp với bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội trong nước. Ngoài ra, cần có một hệ thống nội địa đúng nghĩa để thiết kế và thực thi chính sách theo cách phù hợp nhất với Việt Nam. Phong trào “Năng suất Việt Nam” phải là “Made in Việt Nam”.

Đưa thêm khuyến nghị, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trong nền kinh tế cũng sẽ là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy NSLĐ.

Theo kết quả nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tính cho cả giai đoạn 2020 - 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số đóng góp từ 7% - 16,5% trong 100% tốc độ tăng trưởng NSLĐ tổng thể. Theo đó, có thể thấy đóng góp của kinh tế số là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế, và là một động lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLĐ./.

Bài và ảnh: DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
Cần đột phá về năng suất lao động để nền kinh tế “cất cánh”