Khai mạc phiên họp thứ 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

(BKTO) - Sáng 27/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 55 - phiên họp thường kỳ đầu tiên của UBTVQH sau khi kiện toàn nhân sự tại Kỳ họp thứ 11.



                
   

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

   

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại Phiên họp thứ 55, UBTVQH xem xét các nội dung theo chương trình công tác năm 2021, gồm: Đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; xem xét, quyết định việc thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính một số đơn vị hành chính tại thành phố Hà Nội và 03 tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; xem xét, quyết định việc điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cũng tại Phiên họp, UBTVQH cho ý kiến về việc tiếp tục sử dụng số vốn còn lại của Nghị quyết số 324/NQ-UBTVQH14 để đầu tư xây dựng các dự án Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong giai đoạn 2021-2025; xem xét, quyết định về phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020; cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung kinh phí mua bù vắc xin, hóa chất sát trùng và hạt giống cây trồng quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là Phiên họp thường kỳ đầu tiên của UBTVQH sau khi được kiện toàn nhân sự Chủ tịch Quốc hội, một số Phó Chủ tịch Quốc hội, một số Ủy viên UBTVQH. Thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị nội dung phiên họp, tuy nhiên vẫn còn 3 nội dung do Chính phủ chưa chuẩn bị kịp theo tiến độ, nên phải rút ra khỏi chương trình Phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh việc tập trung cao độ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, từ sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV đến nay UBTVQH, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để đảm bảo hoạt động của Quốc hội được liên tục, thông suốt và hiệu quả. Đồng thời, tích cực chuẩn bị xây dựng các đề án, chương trình hành động nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 11, nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội Khóa XV.

Theo tinh thần đó, ngay sau Kỳ họp thứ 11, UBTVQH đã tổ chức hội nghị với tất cả đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách ngành, lĩnh vực; đã triển khai kế hoạch làm việc với 10 cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan thuộc UBTVQH nhằm tìm hiểu sâu, nghiên cứu kỹ tổ chức và hoạt động của từng cơ quan, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị đề xuất nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, chương trình công tác còn lại của Quốc hội Khóa XIV. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.

Điều chỉnh địa giới hành chính của một số tỉnh, thành phố

Ngay sau khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, UBTVQH xem xét, quyết định việc thành lập, điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính tại thành phố Hà Nội và 03 tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thành phố Hà Nội đề xuất điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của 08 tổ dân phố khu vực Bắc Nghĩa Tân của phường Nghĩa Tân (gồm các tổ: 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 32) đang thuộc địa giới hành chính của phường Cổ Nhuế 1 (quận Bắc Từ Liêm) về địa giới hành chính của phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích điều chỉnh 10,32 ha; dân số 6.096 người.

Điều chỉnh toàn bộ phần diện tích tự nhiên của tổ dân phố số 28- tập thể Bệnh viện 19-8 của phường Mai Dịch đang thuộc địa giới hành chính của phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) về địa giới hành chính của phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) quản lý. Diện tích điều chỉnh 1,86 ha; dân số 703 người.

Đối với Tổ dân phố Hoàng 4 của phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm (trước đây là thôn Hoàng 4 của xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm) nằm giữa các tổ dân phố Bắc Nghĩa Tân do phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy quản lý giữ nguyên hiện trạng.

Cũng theo Tờ trình của Chính phủ, tỉnh Thanh Hóa đề xuất thành lập thị trấn Quý Lộc và thị trấn Yên Lâm trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Quý Lộc và xã Yên Lâm thuộc huyện Yên Định.

Tỉnh Đồng Nai đề xuất thành lập thị trấn Long Giao trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của xã Long Giao thuộc huyện Cẩm Mỹ.

Tỉnh Tuyên Quang đề xuất điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn thuộc huyện Lâm Bình, huyện Yên Sơn.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ sự cần thiết thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội.
                
   

Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: quochoi.vn

   

Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết việc điều chỉnh địa giới và thành lập các đơn vị hành chính của các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan trình Đề án giải trình một số nội dung liên quan đến việc thành lập đơn vị hành chính ở đô thị như giải pháp huy động vốn và định hướng sử dụng nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, nâng cao chất lượng đô thị nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân; việc chuyển đổi con dấu, giấy tờ của người dân trên địa bàn sau khi thị trấn mới được thành lập...

Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, UBTVQH nhận thấy, việc điều chỉnh địa giới và thành lập các đơn vị hành chính của các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang và thành phố Hà Nội theo các Tờ trình của Chính phủ là cần thiết, đúng quy định của pháp luật; các đơn vị được đề nghị thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính đều đáp ứng các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định; hồ sơ Đề án, trình tự, thủ tục lập Đề án tuân thủ theo quy định của pháp luật.

UBTVQH đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực của các Nghị quyết là từ ngày 01/7/2021 để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian để kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu, giấy tờ của công dân, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới và không làm ảnh hưởng đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

UBTVQH cũng lưu ý, Chính phủ và các địa phương quan tâm đến việc điều chỉnh phát triển quy hoạch toàn diện và quy hoạch đô thị của các vùng được điều chỉnh địa giới hành chính đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện yêu cầu để phát triển. Đối với thành phố Hà Nội, UBTVQH đề nghị chính quyền địa phương cần khẩn trương có lộ trình cụ thể để giải quyết các thủ tục hành chính, đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người dân, DN trên địa bàn được điều chỉnh địa giới hành chính.

Trên cơ sở đó, tại phiên họp, các ủy viên UBTVQH đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết thành lập, điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính tại thành phố Hà Nội và 03 tỉnh: Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
  • Tập trung làm tốt công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Những ngày này, cả nước đang tập trung triển khai thực hiện tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Mặc dù không tổ chức bầu HĐND cấp phường, song công tác tổ chức, chuẩn bị cho Cuộc bầu cử tại nhiều quận, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn đặc biệt được chú trọng với quyết tâm chính trị cao.
  • Bảo đảm quyền bầu cử của công dân
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Từ ngày 14.4.2021, theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, các địa phương đều đã tiến hành niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND cấp xã và tại các địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách cử tri để Nhân dân kiểm tra. Tuy nhiên, việc bổ sung, điều chỉnh danh sách cử tri ở khu vực bỏ phiếu sẽ được tiến hành cho đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ. Chính vì vậy, các tổ chức phụ trách bầu cử, đặc biệt là tại các địa bàn có đông khu công nghiệp, đông dân di cư tự do, cử tri chưa đăng ký thường trú/tạm trú… cần tiếp tục rà soát, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bảo đảm tối đa quyền bầu cử của công dân.
  • Thắt chặt và củng cố đoàn kết, tương trợ với các quốc gia ASEAN
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính góp phần tạo dựng quan hệ hợp tác, hữu nghị và thân thiện giữa Thủ tướng với Lãnh đạo các nước ASEAN.
  • Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam hết sức coi trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững, lâu dài, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi.
  • Thủ tướng kết thúc chuyến tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo ASEAN
    3 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Tại các cuộc tiếp xúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt như thúc đẩy đầu tư, thương mại hai chiều, hợp tác biển...
Khai mạc phiên họp thứ 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội