Cần giải pháp để giảm thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ

(BKTO) – Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, chính sách tiền tệ góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần có các giải pháp để giảm thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ vô và chính sách tiền tệ.



                
   

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng làm rõ vai trò của chính sách tiền tệ trong việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ khi tham dự Tọa đàm Chính sách của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Ảnh:sbv.gov.vn

   

Chiều 14/5 (giờ địa phương), tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã tham dự chương trình Tọa đàm Chính sách của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Đại học Harvard, thành phố Boston thuộc thành phố Cambridge, bang Massachusetts.

Sau bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Thống đốc NHNN cũng đã phát biểu.

Từ góc độ của ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã làm rõ vai trò của NHNN trong việc góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Thống đốc chia sẻ: Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cửa lớn so với các nước trên thế giới (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP vào khoảng gần 200%).

Hội nhập sâu rộng với nền kinh tế giới mang lại rất nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với điều hành chính sách kinh tế vĩ mô nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng.

Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam và NHNN luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Khi thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, NHNN không chủ quan với lạm phát.

Với tinh thần đó, NHNN luôn bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, nâng cao công tác phân tích, dự báo, phản ứng linh hoạt, phối kết hợp đồng bộ và nhuần nhuyễn giữa các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu đề ra, tạo lợi thế cạnh tranh công bằng trong thương mại quốc tế.

Nhờ vậy, trong nhiều năm qua, lạm phát luôn được kiểm soát, duy trì ở mức thấp, dưới 5%, đi đôi với tăng trưởng kinh tế đạt mức cao so với các nước trên thế giới và khu vực.

Nhiều thời điểm, kinh tế thế giới biến động khó lường, căng thẳng thương mại và địa chính trị giữa các nước gia tăng song những phản ứng của chính sách tiền tệ khá linh hoạt, nhanh nhạy, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, tạo môi trường vĩ mô ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Theo Thống đốc, việc xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ có sự đóng góp của chính sách tiền tệ thông qua những phản ứng linh hoạt, giúp tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong và ngoài nước.

Thống đốc bày tỏ sự đồng tình với khuyến nghị của Giáo sư David Depice - Trường Đại học Harvard Kennedy - về việc Việt Nam cần đa dạng hóa đối tác thương mại.

Đồng thời, Thống đốc cũng cho rằng cần có các giải pháp để khai thác cầu nội địa, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu, qua đó giảm thách thức đối với điều hành chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ./.
THÀNH ĐỨC

Cùng chuyên mục
Cần giải pháp để giảm thách thức trong điều hành chính sách tiền tệ