Từ năm 2015, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, cơ hội tiếp cận nguồn vốn ODA ưu đãi đang khép lại. Vì vậy, nguồn vốn chỉ có thể huy động từ các định chế tài chính quốc tế.
“Đặc biệt vốn cũng như các hàng hóa khác, được giao dịch theo các mức giá khác nhau. Giá của vốn chủ yếu được xác định bởi mức độ rủi ro của khoản đầu tư, rủi ro cao, chi phí cao và kỳ vọng lợi nhuận cao, và ngược lại”, ông Đặng Huy Đông nói.
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, ngày 11-2-2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ KWh và đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện.
Với tổng mức đầu tư gần 13-15 tỷ đô la Mỹ/năm, quy mô thị trường Việt Nam là đủ sức hấp dẫn. Để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn.
TS Nguyễn Đức Hiển cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực thi để tuân thủ luật chơi quốc tế là cần phải chuẩn hóa, minh bạch theo thông lệ quốc tế về hợp đồng mua bán điện (PPA) vì đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn, trong đó cần lưu ý có cơ chế chia sẻ, phân bổ rủi ro hợp lý, tránh chỉ đẩy rủi ro cho các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cơ chế về giá điện cũng cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế.
Tại hội thảo, các diễn giả tập trung tham luận một số chủ đề như khái quát quy trình cấp vốn và phân bổ rủi ro giữa các bên trong hợp đồng mua bán điện (PPA); cách thức cải thiện chỉ số tín dụng quốc gia cho Việt Nam; tham gia của ngân hàng địa phương vào các dự án huy động vốn quốc tế; những chuẩn mực cần có trong hợp đồng mua bán điện (PPA) để có thể huy động vốn đầu tư cho các dự án điện độc lập; cụ thể các tiêu chuẩn kêu gọi vốn và các thức phân bổ rủi ro trong hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện độc lập; kinh nghiệm đầu tư các dự án điện độc lập tại Trung Đông và Indonesia (hợp đồng mẫu PPA); chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam…
Bên cạnh các tham luận, hội thảo còn có phiên hỏi đáp và thảo luận về những cơ chế, chính sách liên quan đến chủ đề hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và các bộ, ngành của Việt Nam.
Theoqdnd.vn