Tinh thần Cần Kiệm luôn là một trong những yêu cầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra với mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam. Đó vừa là phẩm chất, tiêu chuẩn của cán bộ, đảng viên, vừa là mục tiêu, động lực của mọi tập thể và cá nhân để xây dựng cuộc sống mới, con người mới. Với quan niệm một năm bắt đầu từ mùa xuân, Hồ Chủ tịch càng chú trọng đến tinh thần Cần Kiệm mỗi khi Tết đến, xuân về. Tư tưởng xuyên suốt của Người là: “Sang năm mới, chúng ta phải cố gắng thi đua hơn nữa, cố gắng vượt những khó khăn, để tranh lấy nhiều thắng lợi hơn nữa”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những giải pháp quan trọng để năm mới thắng lợi mới chính là phải quyết tâm thực hiện Cần và Kiệm.
Vào năm mới Xuân Bính Tuất 1946, mùa xuân độc lập đầu tiên sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trong bối cảnh đất nước có tự do, độc lập nhưng gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ từ giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào toàn quốc, kêu gọi cả nước: “Ra sức giồng giọt, chăn nuôi, để cứu nạn đói hiện tại và tránh nạn sau này”. Tinh thần cần kiệm đón xuân luôn được Hồ Chí Minh khẳng định theo tinh thần như những vần thơ đón xuân mới của Người: “Trăm năm trong cõi người ta/Cần kiệm xây dựng nước nhà mới ngoan”.
Trước đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Lâm thời vào tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có nhiệm vụ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và mở một cuộc lạc quyên cứu đói, với cách thức mười ngày một lần, tất cả đồng bào nhịn ăn một bữa rồi đem gạo tiết kiệm được góp lại và phát cho người nghèo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nêu rõ: Suốt năm kế hoạch, định từ mùa xuân, nếu ngay từ đầu mùa xuân mọi công việc làm được tốt, thì cả năm sẽ phát triển tốt, đạt kết quả tốt. Vì vậy, Người thường xuyên nhắc nhở phải chịu khó, chuyên cần làm việc ngay từ những ngày đầu xuân. Vào dịp Xuân Đinh Mùi 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương, khuyến khích những tập thể, cá nhân người lao động vẫn hăng hái làm việc trong những ngày Tết. “Công nhân và cán bộ nhiều xí nghiệp, công trường và cơ quan cũng quyết định làm việc, không nghỉ Tết, để lập thành tích mới trong sản xuất và công tác. Như thế là rất tốt và rất đáng khen”. Người cũng chỉ ra và trực tiếp chỉ đạo thực hiện những việc cần làm trong ngày đầu xuân, như Tết trồng cây hằng năm với ước muốn: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Để cho đất nước càng ngày càng Xuân”.
Cùng với Cần, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn nhắc nhở đón xuân phải Kiệm. Người chỉ ra: “Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí” và: “Mừng Xuân, Xuân cả thế gian/Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, đầy khó khăn, gian khổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh càng quan tâm, chú trọng Tết tiết kiệm. Tết Đinh Hợi 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Trung Đoàn Thủ Đô đang trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội: “Các em ăn Tết thế nào? Vui vẻ lắm chứ! Tôi và nhân viên Chính phủ nhớ đến các em cho nên cũng không ai nỡ ăn Tết. Còn 90 phần trăm đồng bào ở hậu phương cũng giảm bớt 90 phần trăm mâm cỗ tiệc tùng, ai cũng tiết kiệm để dự bị công cuộc trường kỳ kháng chiến”.
Có sự trùng hợp mang nhiều ý nghĩa rất sâu sắc: Mùa xuân ở nước ta gắn liền với kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng ra đời vào mùa xuân năm Canh Ngọ - ngày 3/2/1930). Cho nên, mùa xuân hằng năm luôn là dịp để cả nước sôi nổi các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới, với xu thế chung là nhân dân đón xuân mới ngày càng tươi vui, đầm ấm, hạnh phúc hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở Đảng, Nhà nước chăm lo cuộc sống cho nhân dân không chỉ trong mấy ngày Tết, mà là công việc thường xuyên lâu dài, cụ thể. Xuân Canh Tý 1960, Người yêu cầu: “Đảng đổi mới nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà, mắm muối cần thiết cho đời sống của nhân dân”.
Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam đã và đang thực hiện tốt tư tưởng, lời dạy, ước nguyện trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sức mạnh của ý Đảng, lòng dân, cố gắng của cả cộng đồng đã đưa chúng ta đến những thành công rực rỡ như Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định: “Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên”. Và với những thắng lợi ấy: “Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Đất nước đang bước vào Xuân Giáp Thìn 2024 với những thắng lợi cao hơn Xuân Quý Mão 2023. Đã có rất nhiều niềm vui, tự hào từ những thắng lợi toàn diện, sâu sắc của năm 2023. Tiêu biểu như: GDP quy mô 430 tỷ USD, tăng trưởng đạt 5,05%, cao gấp 1,5 lần so với mức 2,9% của kinh tế toàn cầu; GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD, bước vào ngưỡng thu nhập trung bình cao, thu nhập của người lao động năm 2023 tăng hơn năm 2022; sự tin tưởng của nhân dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế vào Đảng và chế độ ta được củng cố, tăng cường...
Đó là niềm vui, tự hào, là động lực thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thêm quyết tâm đoàn kết, thống nhất, thực hiện cần kiệm, hăng hái thi đua hoàn thành tốt mọi kế hoạch, chỉ tiêu của năm 2024, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6-6,5 % để đất nước Việt Nam đón Xuân mới Ất Tỵ 2025 sẽ thắng lợi hơn Xuân Giáp Thìn 2024!./.