VCCI cho rằng cầnlinh hoạt cách chấm điểm, xếp hạng các tổ chức tín dụng -Ảnh minh họa: TTXVN |
Cụ thể, Dự thảo Thông tư quy định 5 mức xếp hạng của các tổ chức tín dụng là A-B-C-D-E dựa trên hệ thống xếp hạng tín dụng CAMELS đã được sử dụng phổ biến trên thế giới.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng cơ quan soạn thảo cần xem xét chia nhỏ các mức xếp hạng thay vì chỉ có 5 mức A-B-C-D-E như quy định tại Dự thảo để đánh giá sát hơn tình hình của các tổ chức tín dụng, từ đó giúp cho cơ quan quản lý có cách ứng xử tương ứng với từng tổ chức tín dụng được chính xác và hiệu quả hơn.
Bởi theo Dự thảo, mức xếp hạng B được tính như sau: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp hạng B (Khá) nếu tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 4,5 và lớn hơn hoặc bằng 3,5”. Đây là khoảng điểm có sự khác biệt tương đối lớn, bởi điểm được cộng, trừ tới 0,05/0,1 sẽ khiến cho tổ chức tín dụng được 4,4 điểm và tổ chức tín dụng được 3,5 điểm dù có sự chênh lệch lớn về mức độ rủi ro nhưng vẫn được xếp cùng hạng. Tương tự với mức xếp hạng C (tổng điểm nhỏ hơn 3,5 và lớn hơn hoặc bằng 2,5); hạng D (tổng điểm nhỏ hơn 2,5 và lớn hơn hoặc bằng 1,5).
“Nếu không có các mức xếp hạng chi tiết hơn thì có thể dẫn đến tình trạng đánh đồng các tổ chức tín dụng với những khác biệt quá lớn, dẫn đến chính sách ban hành cho các tổ chức tín dụng sẽ không hiệu quả, do dựa trên kết quả không phản ánh đúng thực tế hoạt động của tổ chức tín dụng” - VCCI nêu quan điểm.
Do đó, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo cân nhắc chia nhỏ các mức xếp hạng căn cứ vào các mức điểm khác nhau, nhằm phân loại chính xác và sát với tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, trong các tình huống đặc biệt của nền kinh tế, ví dụ như trong trường hợp các tổ chức tín dụng áp dụng các biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì cần thiết phải điều chỉnh các tiêu chí đánh giá hoặc có cách tính linh hoạt để bảo đảm tính khách quan, chính xác.
Các tình huống đặc biệt không giới hạn ở trường hợp dịch bệnh Covid-19, mà có thể bao gồm thiên tai, hỏa hoạn, khủng hoảng kinh tế quốc tế và các trường hợp bất khả kháng khác, khi đó Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ chính sách tín dụng nhằm khuyến khích các tổ chức tín dụng hỗ trợ các khoản vay của doanh nghiệp, cá nhân dẫn đến làm tăng nợ xấu, tăng nguy cơ rủi ro của hệ thống ngân hàng.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc các trường hợp ngoại lệ, loại trừ hoặc áp dụng linh hoạt cách chấm điểm để xếp hạng các tổ chức tín dụng trong các tình huống ngoại lệ” - VCCI góp ý./.
DIỆU THIỆN