Cân nhắc phạm vi thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

(BKTO) - Trong bối cảnh còn nhiều dự án nhà ở thương mại đầu tư dở dang, các đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ về phạm vi áp dụng thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, để bảo đảm phù hợp, khả thi, trách lợi dụng chính sách phát triển nhà ở tràn lan, thiếu kiểm soát.

202411130902377632_z6027073746837_9e73718e83e40b583bab7b7e18971484.jpg
Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy trình bày Tờ trình Dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. Ảnh: VPQH

Bảo đảm giữ ổn định đất lúa, tỷ lệ che phủ rừng

Sáng 13/11, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Theo đó, việc thí điểm chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho các dự án nhà ở thương mại (dưới quy mô khu đô thị), tháo gỡ khó khăn về nguồn cung của các dự án bất động sản trong bối cảnh giá bất động sản tăng cao do một phần nguyên nhân là việc tiếp cận đất đai của nhà đầu tư còn khó khăn.

Nghị quyết được áp dụng trên phạm vi toàn quốc đối với dự án của tổ chức kinh doanh bất động sản trong trường hợp: Nhận quyền sử dụng đất; đang có quyền sử dụng đất; đang có quyền sử dụng đất và nhận quyền sử dụng đất; thực hiện dự án nhà ở thương mại trên diện tích đất của cơ sở phải di dời do ô nhiễm môi trường, cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Về loại đất, Chính phủ đề xuất nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với một hoặc các loại đất: Đất nông nghiệp; đất phi nông nghiệp không phải đất ở; đất ở và đất khác trong cùng thửa đất đối với trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.

202411130902377788_z6027098579115_c8786ae13f9fc008a094cdde7c4e5a04.jpg
Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế cho rằng, quy định về các loại đất được thực hiện thí điểm quá rộng, trong đó bao gồm cả đất trồng lúa, đất lâm nghiệp, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo…. Do đó, đề nghị cân nhắc đối với đất chuyên trồng lúa và đất rừng.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị rà soát, nghiên cứu, làm rõ việc áp dụng cơ chế thí điểm thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với các loại đất nêu trên; nghiên cứu, đánh giá việc áp dụng quy định của dự thảo Nghị quyết là đối với tất cả các trường hợp thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hay chỉ áp dụng đối với trường hợp thời điểm thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu điều kiện thí điểm dựa trên thời điểm nhận quyền sử dụng đất (hoặc đang có quyền sử dụng đất) trước và sau khi Nghị quyết có hiệu lực. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung nguyên tắc bảo đảm giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%, kiểm soát chặt chẽ nhằm bảo đảm không chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất quốc phòng, đất an ninh với diện tích lớn.

Tránh việc lợi dụng chính sách, phát triển nhà ở tràn lan

Thảo luận tại Tổ về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn Quảng Ninh) nêu rõ, hiện nay, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản vừa có hiệu lực từ 01/8/2024, trong đó đã có những quy định cụ thể về vấn đề thực hiện dự án nhà ở thương mại và thông qua những thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc quyền sử dụng đất. Do đó, cần có thời gian khi các Luật này đi vào thực tế triển khai, xem xét các vướng mắc để điều chỉnh bằng các văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục sẽ hợp lý hơn việc ban hành nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

03514b3c6644dd1a8455.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu thảo luận tại Tổ. Ảnh: Đ. KHOA

Đại biểu Hà cũng chỉ ra thực tế, hiện nay, các dự án nhà ở thương mại, nhất là tại các thành phố lớn, các phân khúc nhà ở cao cấp đã và đang triển khai nhiều và tồn tại những dự án dở dang, chưa hoàn thiện, chưa đi vào cuộc sống. Nhiều dự án nhà ở thương mại tại một số địa phương phát triển chưa đúng nghĩa phục vụ nhu cầu nhà ở. Do đó, đại biểu đề nghị cần có đánh giá kỹ, xem xét việc thí điểm nên chọn vùng, hay chọn địa phương, khu vực nào cho phù hợp.

Cần có các chế tài để kiểm soát cụ thể, tránh lãng phí nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác. Từ các dự án đang vướng mắc hiện nay, chưa giải quyết được cần xem xét thực tế để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập để thực hiện tốt các dự án nhà ở thương mại và các dự án khác đối với việc tái định cư, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong các khu công nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cũng lưu ý, vấn đề nhà ở (hay sử dụng các loại đất để thực hiện nhà ở thương mại) là vấn đề có tác động lớn đến nhiều mặt của đời sống xã hội và nền kinh tế. Do đó, cần đánh giá kỹ, thu hẹp phạm vi áp dụng chính sách thí điểm, chỉ thực hiện thí điểm chính sách tại một số tỉnh, thành phố có nhu cầu cao về nhà ở thương mại và là những địa phương có năng lực quản lý đất đai, nhà ở tốt.

"Việc quyết định phạm vi thực hiện thí điểm cần phải dựa trên đánh giá thực trạng nhu cầu nhà ở thương mại của người dân trên cả nước để bảo đảm chính sách thí điểm phù hợp, khả thi, hiệu quả, tránh việc lợi dụng chính sách, phát triển nhà ở tràn lan, thiếu kiểm soát, tạo ra làn sóng phát triển nóng dự án nhà ở thương mại, mất cân đối cung - cầu nhà ở hoặc dẫn đến tình trạng mua gom, đầu cơ đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại hoặc để chuyển đổi mục đích sử dụng đất" - đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn TP. Hà Nội), đây không phải lần đầu Chính phủ đề xuất mở rộng đất cho nhà ở thương mại, ít nhất Quốc hội đã ba lần thảo luận nội dung này.

Lần gần nhất, khi thảo luận Dự thảo Luật Đất đai mới, nhiều đại biểu Quốc hội cũng rất băn khoăn, vì ngay cả báo cáo của Chính phủ cũng nói là chỉ có một số nơi có vướng mắc chứ không phải là tất cả các địa phương đều vướng.

Bà Thủy băn khoăn, hiện nay đang sốt đất, giá đất tăng phi mã không thể giải thích được và chưa có giải pháp kiểm soát. Nếu cho phép thí điểm mở rộng đất với các loại đất khác thì liệu có tạo cơn sóng sốt đất với các loại đất này hay không?

“Khi cơn sốt đất lây lan, sẽ tạo thành rào cản cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất vào sản xuất, kinh doanh.Nếu nhiều người chỉ chăm chăm mua các loại đất chờ để chuyển thành nhà ở thương mại thì giá đất sẽ tăng, không chỉ doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai mà Nhà nước cũng sẽ khó khăn trong quản lý” - đại biểu Thủy nhìn nhận và cho rằng, nếu thực hiện thí điểm thì chỉ ở 1 số địa phương chứ không nên ở diện rộng như Dự thảo.

Cùng chuyên mục
  • Chú trọng chuyển giao, làm chủ công nghệ trong đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam
    28 ngày trước Đầu tư
    (BKTO) - Thống nhất cao về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm hiệu quả đầu tư dự án, đặc biệt là về nguồn vốn đầu tư, công nghệ, nguồn nhân lực khi đầu tư Dự án.
  • Linh hoạt nguồn vốn nhà nước tham gia dự án PPP
    một tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Chính phủ đề xuất áp dụng cơ chế linh hoạt nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án.
  • Nhu cầu vàng toàn cầu tăng lên mức kỷ lục trong quý III/2024
    một tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu đầu tư vàng toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục trong quý III.
  • Sửa Luật Đầu tư công: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm
    một tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát.
  • Thủ tục phức tạp, nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc
    một tháng trước Đầu tư
    (BKTO) - Trình tự, thủ tục còn phức tạp, quy định chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến ách tắc trong triển khai dự án. Cùng với đó, hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất, chậm định giá đất… vẫn còn nhiều bất cập. Đây là những vướng mắc chính khiến nhiều dự án bất động sản bị đình trệ.
Cân nhắc phạm vi thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại