Đi ngược lại xu hướng tiến bộ
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, hiện nay còn có ý kiến khác nhau từ phía Công đoàn, người lao động, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội DN về quy định trong Dự thảo Bộ luật về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa.
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề nhất định, trả tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ và khống chế số giờ làm thêm tối đa theo tháng. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội và cho rằng nên cân nhắc kỹ vấn đề này để phù hợp với điều kiện làm việc, sức khỏe và thời giờ làm việc của người lao động Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh báo cáo tại phiên họp- Ảnh: Q. Khánh |
Bộ luật hiện hành đã quy định nguyên tắc thỏa thuận khi làm thêm giờ, nhưng việc thực hiện rất khó khăn, hạn chế, tình trạng vi phạm về thời giờ làm thêm khá phổ biến. Mặt khác, việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, trình độ quản trị DN hiệu quả hơn, tay nghề người lao động được nâng lên thì năng suất lao động, giá trị sản phẩm tăng lên, thời giờ làm việc sẽ giảm xuống để bảo đảm sức khỏe và cải thiện đời sống của người lao động.
Đáng quan tâm hơn, cơ quan thẩm tra cho rằng, việc mở rộng khung thời gian làm thêm giờ tối đa trong trường hợp đặc biệt là 400 giờ/năm gấp 02 lần tổng số giờ làm thêm tối đa trong trường hợp bình thường luật định (200 giờ/năm) và bằng 50 ngày làm việc bình thường (8 giờ/ngày) là vấn đề Cơ quan soạn thảo cần có giải trình thấu đáo cùng với mối quan hệ với thời giờ làm việc thực tế, tiền lương thực tế, hiệu quả, năng suất lao động và giải quyết việc làm...
Bên cạnh đó, việc tăng thời giờ làm thêm trong điều kiện công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm còn hạn chế sẽ có thể dẫn đến tình trạng DN lợi dụng thời giờ làm thêm khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động.
Từ những phân tích trên, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị, vấn đề này cần phải được Cơ quan soạn thảo tiếp tục làm rõ thêm và việc quy định thời gian phải làm thêm giờ phải theo hướng đảm bảo chặt chẽ, giới hạn trong một số trường hợp đối với một số ngành, nghề, công việc nhất định.
Đặc biệt, phải bảo đảm các nguyên tắc: Có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; áp dụng tiền lương lũy tiến cho thời gian làm thêm giờ; bổ sung quy định khống chế giờ làm thêm tối đa theo tháng và phải có cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát đảm bảo sự tuân thủ quy định về thời gian làm thêm giờ.
Chỉ tăng giờ làm thêm trong những trường hợp nhất định
Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, sửa đổi Bộ luật Lao động là vấn đề lớn, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người lao động. Do đó, nếu chúng ta làm không tốt sẽ ảnh hưởng đến tâm tư nguyện vọng người lao động, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội và dễ bị kẻ xấu lợi dụng.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nhiều vấn đề lớn trong dự luật chưa được làm rõ, nên cần tham vấn, xin ý kiến nhân dân, đặc biệt là về vấn đề tăng giờ làm thêm, bởi việc kéo dài thời giờ làm thêm là đi ngược lại với xu hướng tiến bộ.
Trong bối cảnh hiện nay tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng cao, trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề lao động nâng lên, trình độ quản lý tốt hơn thì không có lý gì phải tăng giờ làm thêm. “Tăng giờ làm thêm chỉ nên để phục vụ trong đợt thi đua đột xuất, trong thời điểm nhất định, còn nếu “ke” tăng giờ làm ngay từ đầu thì không được”- Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ phát biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp- Ảnh: Q. Khánh |
Bày tỏ không ủng hộ việc mở rộng khung giờ làm thêm, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị, nếu tăng thì chỉ tăng 44 giờ/tuần chứ không thể tăng 48 giờ/tuần như Dự thảo Luật. Trong trường hợp có tăng thì phải theo nguyên tắc lực chọn, có kiểm tra, giám sát chặt chẽ khi thực hiện.
Cũng bày tỏ băn khoăn về mở rộng khung thời giờ làm thêm, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị, cần làm rõ lý do tại sao phải mở rộng lên gấp đôi? Theo bà Hải, mặc dù nhu cầu làm thêm giờ là nhu cầu từ hai phía nhưng nếu phân tích đánh giá kỹ thì nhu cầu này làm lợi cho khối giới chủ nhiều hơn như: không phải tuyển thêm lao động mới, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh...
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, các phiên họp của UBTVQH đã nêu quan điểm nhất quán là không đồng tình tăng giờ làm thêm, dù nhu cầu là có thật. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc làm thêm giờ luôn được đặt ra khi xem xét, sửa đổi Bộ luật Lao, trong khi mức thu nhập của người lao động lại không tăng theo là không nên. "Khi tính toán giờ lao động cho người lao động cũng cần cân nhắc làm sao cho thấu đáo. Cần đi theo xu hướng tiến bộ của xã hội, định hướng xã hội chủ nghĩa”- Chủ tich Quốc hội lưu ý.
Đ. KHOA