Sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để vực dậy nền kinh tế. Ảnh: TTXVN
Tăng trưởng GDP phụ thuộc vào thời điểm kết thúc dịch
Thực tế cho thấy, các DN đang gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh; chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng trong khi dòng tiền dần thiếu hụt; doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ; khả năng cầm cự không thể kéo dài; số DN rút lui khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng cao so với cùng kỳ. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động dự báo đạt mức thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng; qua khảo sát nhanh, có tới 53% DN dự kiến giảm ít nhất 20% số lao động, 27% dự kiến cắt giảm trên 40% số lao động...
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), mức độ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của cả nước sẽ tùy thuộc vào thời điểm kết thúc dịch, cũng như các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ. Nếu dịch càng kéo dài thì ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% sẽ rất khó đạt được. Trong trường hợp dịch bệnh được khống chế vào quý II thì tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32%, còn nếu dịch bệnh kéo dài hết đến quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%.
Cùng với đó, một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh. Chẳng hạn, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) năm 2020 có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu NSNN có thể giảm tới 145.000 tỷ đồng. Xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do nhu cầu của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn.
Trước diễn biến phức tạp, khó lường và tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế của dịch Covid-19, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kịp thời các kết luận, Nghị quyết, Chỉ thị với phương châm “chống dịch như chống giặc”, kiểm soát được dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu và quan trọng nhất nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế, tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để vực dậy nền kinh tế và phát triển nhanh, bền vững.
Chính phủ sẽ có thêmNghị quyết chuyên đềđể tháo gỡ khó khăn
Để hỗ trợ nền kinh tế, kịp thời chia sẻ khó khăn với các DN, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020, trong đó chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay 7 nhóm giải pháp hướng tới các đối tượng là các DN, người lao động bị mất việc làm có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng. Cùng với đó, các ngành: ngân hàng, tài chính, công thương, giao thông vận tải... đã kịp thời có giải pháp giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí dịch vụ, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi; gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của DN về thuế, tiền thuê đất; cắt giảm chi phí cho các DN, giảm giá điện, giá xăng dầu, giá dịch vụ... với tổng giá trị quy đổi khoảng 330.000 tỷ đồng (gần 14 tỷ USD).
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 07/4/2020 cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất cho các đối tượng là DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số ngành nghề chịu tác động nặng nề, trực tiếp của dịch Covid-19, đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ.
Về vấn đề xã hội, lao động việc làm, Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được ban hành với các chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc cho vay ưu đãi hướng tới 6 nhóm đối tượng. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục gửi hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Dự kiến các chính sách tại Nghị quyết sẽ hỗ trợ khoảng 20 triệu đối tượng với kinh phí khoảng 62.000 tỷ đồng.
Nêu quan điểm cần thiết phải có thêm các giải pháp mạnh hơn hỗ trợ nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, việc phục hồi nhanh nền kinh tế trở lại như thời điểm trước dịch vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có các giải pháp hỗ trợ mạnh hơn.
Đáp ứng yêu cầu này, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong đó đề xuất 3 nhóm giải pháp và 33 nhiệm vụ cụ thể. Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, Dự thảo Nghị quyết đề xuất tiếp tục giảm các loại phí, giá dịch vụ, mở rộng đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; đẩy mạnh xuất nhập khẩu, thương mại trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực. Đồng thời đề xuất xem xét nâng mức giảm trừ gia cảnh; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; cho phép chậm nộp một phần thuế xuất khẩu trong thời gian khoảng 5 tháng đến hết quý II/2020…
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đánh giá là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, Dự thảo Nghị quyết yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung mọi giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 (gần 700.000 tỷ đồng), chỉ đạo chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu đẩy mạnh thi công kết hợp với đảm bảo an toàn phòng dịch cho người lao động nhằm có khối lượng thi công lớn để làm thủ tục giải ngân.
PHÚC KHANG