Cần xem xét, đánh giá lại một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo

(BKTO) - Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng một số quy định tại Dự thảo cần được xem xét, đánh giá lại.



                
   

VCCI cho rằng cầnxem xét, đánh giá lại một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo -Ảnh minh họa: chinhphu.vn

   

Cụ thể, về thời hạn Giấy chứng nhận kinh doanh xuất khẩu gạo, Dự thảo đề xuất sửa đổi thời hạn Giấy chứng nhận phù hợp với thời hạn của hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo của thương nhân tại thời điểm nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận.

VCCI cho rằng, đề xuất trên cần được xem xét ở một số điểm.

Thứ nhất, để đáp ứng điều kiện có kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo, thương nhân có thể thuê hoặc có quyền sở hữu các cơ sở vật chất này.

Như vậy, nếu theo đề xuất tại Dự thảo thì đối với những thương nhân thuê các cơ sở vật chất trênthì Giấy chứng nhận sẽ có thời hạn, còn những thương nhân có quyền sở hữu các cơ sở vật chất thì Giấy chứng nhận sẽ không có thời hạn hay là thời hạn sẽ xác định như thế nào?

Thứ hai, cùng đáp ứng điều kiện kinh doanh và được cấp Giấy chứng nhận nhưng thời hạn Giấy chứng nhận của các thương nhân lại khác nhau tạo ra sự bất bình đẳng giữa các chủ thể này, ít nhất ở việc các thương nhân có Giấy chứng nhận có thời hạn sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính hơn (khi thời hạn Giấy chứng nhận hết, họ phải thực hiện thủ tục cấp lại, gia hạn), thậm chí có thểđứng trước nguy cơ bị loại ra khỏi thị trường nếu không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận.

Thứ ba, gây khó khăn cho công tác quản lý. Hợp đồng thuê kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo là giao dịch dân sự. Thời hạn của hợp đồng là do hai bên thỏa thuận và có thể bị điều chỉnh hoặc thay đổi bất kì lúc nào, như vậy, thời hạn trong Giấy chứng nhận sẽ phải thay đổi liên tục.

Điều này vừa tạo ra nhiều thủ tục hành chính (vì doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục để điều chỉnh thời hạn Giấy chứng nhận theo thời hạn hợp đồng), vừa gây khó quản lý cho cơ quan nhà nước khi phải đối soát giữa thời hạn hợp đồng và thời hạn của Giấy chứng nhận.

Vì các lý do nêu trên, VCCI kiến nghị cơ quan soạn thảo bỏ đề xuất trên.

Bên cạnh đó, về chế tài đối với thương nhân vi phạm nghĩa vụ báo cáo, Dự thảo đề xuất bổ sung quy định chế tài tạm dừng thực hiện thủ tục hải quan đối với các lô gạo xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân thuộc trường hợp thực hiện không đúng, không đầy đủ chế độ báo cáo theo quy định.

“Chế tài trên là quá nặng, bởi vì trong các quy định liên quan đến xử lý vi phạm hành chính, chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo thường không áp dụng biện pháp dừng hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, quy định như tại Dự thảo vềviệc dừng thực hiện thủ tục hải quan đối với các lô gạo xuất khẩu, nhập khẩu được xem là dừng hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét lại quy định này” - VCCI góp ý./.
DIỆU THIỆN

Cùng chuyên mục
Cần xem xét, đánh giá lại một số quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo