Nợ xấu có thể tăng cao hơn nếu dịch bệnh kéo dài

(BKTO) - Năm 2022, nợ xấu vẫn là một trong những thách thức của hệ thống ngân hàng nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài.



                
   

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Để phòng ngừa nợ xấu trong năm 2022, NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro- Ảnh: NHNN cung cấp

   

Tại Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 ngày 28/12, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: Về kết quả thực hiện Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, cho tới thời điểm hiện tại, hầu hết ngành ngân hàng đã đạt được chỉ tiêu đặt ra, chỉ còn một vài chỉ tiêu chưa hoàn thành do ảnh hưởng từ đại dịch như chỉ tiêu về nợ xấu.

Theo Phó Thống đốc, mục tiêu mà ngành ngân hàng đặt ra là duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đã ở mức 1,9%, tăng so với mức 1,69% hồi cuối năm 2020.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 3,79%.

Trong khi đó, trường hợp thận trọng hơn, tính toán đầy đủ hơn, nếu xét đến cả tác động của đại dịch, các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư số 01/2020/TT (Thông tư số 03/2021/TT-NHNN và Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi) có nguy cơ thành nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu lên tới 8,2%. Thậm chí, con số này còn có thể cao hơn nếu dịch bệnh kéo dài, gây khó khăn cho nền kinh tế.

“Con số nợ xấu này không ai mong muốn nhưng đó là hậu quả của dịch bệnh. Xử lý nợ xấu là một trong những nhiệm vụ lớn của ngành ngân hàng” - Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, đồng thời cho biết: Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng đánh giá thực trạng nợ xấu để xây dựng kế hoạch xử lý bảo đảm phù hợp với diễn biến dịch bệnh; tiếp tục tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.

NHNN đã tổng kết, đánh giá Nghị quyết 42 và báo cáo Chính phủ, Quốc hội trên quan điểm tiếp tục có hành lang pháp mạnh hơn, đủ điều kiện xử lý nợ xấu. “Nợ xấu của nền kinh tế do khách quan của dịch đưa lại lại càng cần hành lang pháp lý để đủ sức xử lý” – Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Để phòng ngừa nợ xấu trong năm 2022, NHNN sẽ tập trung vào công tác thanh tra giám sát, đi sâu giám sát một số lĩnh vực có dấu hiệu không an toàn.

NHNN cũng sẽ hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế, không tập trung vốn cho các dự án lớn tiềm ẩn rủi ro cũng như hoạt động chứng khoán, bất động sản, phát hành trái phiếu DN có biểu hiện không lành mạnh.

"Tóm lại những lĩnh vực có rủi ro cao thì chúng tôi sẽ kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, trong bất động sản, nhà ở xã hội, nhu cầu mua bán nhà ở thực tế, cần thiết của người dân thì ngân hàng sẽ vẫn ưu tiên cho vay. Những lĩnh vực dẫn đến tình trạng đầu cơ, đẩy giá bất động sản gây bong bóng thì phải được kiểm soát kỹ hơn" - ông Tú nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 ước đạt 12,5 tỷ USD. Dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, kiều bào cũng gặp rất nhiều khó khăn song vẫn quan tâm hướng về quê hương. Đây là nguồn vốn rất quan trọng trong điều kiện nền kinh tế cần vốn đầu tư.

Với con số ước tính này, lượng kiều hối năm nay tăng khoảng 10% so với năm 2020. Trong đó, lượng kiều hối gửi qua các tổ chức tín dụng khoảng 7%, các công ty kiều hối 28%, qua bưu điện 2%.

Liên quan đến sự chênh lệch về số liệu thống kê kiều hối của NHNN với Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD (dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức kỷ lục 18,1 tỷ USD), Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: 12,5 tỷ USD là con số thống kê chính thống của NHNN./.

THÀNH ĐỨC



Cùng chuyên mục
Nợ xấu có thể tăng cao hơn nếu dịch bệnh kéo dài