Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo: Dự án PPP kiểu mẫu trong huy động vốn và tiết kiệm cho Nhà nước

(BKTO) - Chiều 28/4/2024, tại quảng trường phía Bắc hầm Núi Vung, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Lễ khánh thành Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo.

img_20240428_182317.jpg
Thủ tướng Chính phủ cắt băng khánh thành dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Dự án do Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Xây dựng Đèo Cả và Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng 194 thực hiện

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã hoàn thành đồng bộ 70km đường, 35 cầu, 2 nút giao liên thông, 69km đường gom, 2,25km đường hầm xuyên núi, cùng hệ thống thiết bị, hệ thống ITS… được Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu.

Cục Đường bộ Việt Nam thống nhất Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV) là đơn vị quản lý vận hành, bảo trì đảm bảo công trình đưa vào vận hành khai thác an toàn, thông suốt.

Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư. Dự án có tổng mức đầu tư 8.925 tỷ đồng, với chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Liên danh nhà đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Xây dựng Đèo Cả và Tổng Công ty Đầu tư Xây dựng 194.

Sáng tạo huy động vốn, đột phá để giảm tổng mức đầu tư

Đúc kết từ kinh nghiệm đã từng tư vấn, thực hiện, tháo gỡ các vướng mắc tài chính và thủ tục pháp lý tại các dự án trước đây, Tập đoàn Đèo Cả và Bộ GTVT đã trải qua quá trình đàm phán kéo dài để tháo gỡ những vướng mắc bất cập theo luật PPP còn rất mới.

Đến ngày 31/7/2021, Bộ GTVT cùng liên danh Nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án chính thức ký kết hợp đồng BOT.

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là dự án ký kết hợp đồng BOT sau cùng trong 3 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông theo phương thức PPP, nhưng lại thu xếp xong nguồn vốn sớm nhất để triển khai thi công và đã đủ điều kiện đưa vào khai thác.

Thời điểm triển khai dự án, bối cảnh chính sách còn nhiều bất cập và rủi ro, các tổ chức tín dụng còn e ngại trước các dự án BOT.

Với kinh nghiệm đã triển khai thành công nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn, nhà đầu tư đã chủ động tìm hướng đi mới trong việc thu xếp nguồn vốn ngay từ khi bắt đầu tham gia đấu thầu, xác định không thể phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay của các ngân hàng thương mại, thay vào đó là sáng tạo mô hình huy động vốn PPP+ bao gồm: P1+: Vốn ngân sách nhà nước; P2+: Vốn chủ sở hữu; và P3+: nguồn vốn khác do nhà đầu tư huy động bằng nhiều hình thức như phát hành trái phiếu, thị trường chứng khoán, hợp đồng hợp tác đầu tư BCC.

Mô hình PPP+ được đánh giá là mô hình kiểu mẫu trong việc huy động vốn cho các dự án khác, và là tiền đề để phát triển lên mô hình PPP++ giúp các dự án khác do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh Nhà đầu tư như Đồng Đăng – Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng… triển khai thành công.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư đã đưa ra phương án giảm giá gần 10%, tương đương 891 tỷ đồng khi đấu thầu cạnh tranh từ việc tối ưu công tác quản lý, điều hành dự án theo mô hình tập trung để tiết giảm bộ máy gián tiếp.

Công trình có sử dụng thiết bị thi công đã được khấu hao từ các dự án hầm Đèo Cả, Trung Lương - Mỹ Thuận, Bắc Giang - Lạng Sơn, đồng thời tận dụng tối đa nguồn đá từ đào hầm và đào nền để sản xuất vật liệu phục vụ thi công.

img_20240428_182333.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực của Nhà đầu tư và các đơn vị liên quan

Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành dự án đường bộ cao tốc Cam lâm - Vĩnh Hảo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi lời chúc, lời động viên đến những cán bộ, nhân viên, công nhân đang làm việc trên các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông trên cả nước, với tinh thần xuyên lễ, xuyên tết; đồng thời khẳng định: Lễ khánh thành dự án hôm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời điểm cả nước đón chào các ngày lễ lớn.

Bày tỏ sự vui mừng khi tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua tỉnh đã hoàn thành, ông Trần Quốc Nam - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận khẳng định: Việc đầu tư, nâng cấp, mở mới các đường giao thông, đặc biệt là 62km cao tốc qua địa phương có ý nghĩa rất quan trọng cho khu vực nói chung và cho Ninh Thuận nói riêng.

"Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là "mơ ước ngàn đời" của người dân Ninh Thuận. Đây vừa là động lực, vừa là cú hích quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và tăng năng lực giao thương của địa phương" - ông Nam chia sẻ. 

img_20240428_181118.jpg
Thủ tướng tặng quà công nhân tham gia thi công dự án

Theo ông Lê Quỳnh Mai - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả (đại diện nhà đầu tư Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo) quá trình thi công Dự án là quá trình vượt khó không ngừng từ vượt qua đại dịch Covid-19, khơi thông nguồn vốn cũng như xử lý những dị thường về địa chất và biến động giá vật liệu xây dựng.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”... liên danh nhà đầu tư Đèo Cả - 194 do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu đã đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Chúng tôi xác định không thể phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay của các ngân hàng thương mại, thay vào đó là sáng tạo mô hình huy động vốn PPP+ bao gồm: P1+: Vốn ngân sách nhà nước; P2+: Vốn chủ sở hữu; và P3+: nguồn vốn khác do nhà đầu tư huy động bằng nhiều hình thức như phát hành trái phiếu, thị trường chứng khoán, hợp đồng hợp tác đầu tư BCC

Ông Lê Quỳnh Mai - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả

Từ quá trình triển khai Dự án thành phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, nhà đầu tư rút ra một số bài học mang tính quyết định đến thành công của công trình.

Đó là sự tham gia kịp thời và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương để giải quyết các khó khăn về tiến độ, mặt bằng, vật liệu, tài chính khi thực hiện dự án; sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho những dự án ở khu vực khó khăn là yếu tố quan trọng cho thành công của dự án.

Đối với các dự án PPP đường cao tốc, cần có cơ chế để tổ chức tín dụng cho vay dài hạn và lãi suất ưu đãi cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức PPP bởi tính chất đặc biệt của loại dự án này là tạo lập tài sản công; cần hạch toán các chi phí phát sinh do các yếu tố ngoài dự kiến vào dự án trên nguyên tắc không tăng ngân sách nhà nước, mà điều chỉnh thời gian hoàn vốn.

Vượt khó thi công đưa dự án về đích đúng hẹn

Ban đầu, vị trí khu nhà Ban điều hành dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo không có đường tiếp cận, không điện nước, không internet… Đèo Cả đã mở đường, kéo điện, tìm nguồn nước sinh hoạt, kết nối internet, xây dựng văn phòng hiện trường, khu nhà ở khang trang, đầy đủ tiện nghi cho người lao động an tâm làm việc.

img_20240428_182311.jpg
Thủ tướng đề nghị các tổ chức tín dụng và Bộ GTVT nghiên cứu làm luôn ống hầm thứ hai; đồng thời nghiên cứu mở thêm các nút giao hợp lý, đảm bảo hiệu quả.

Thời điểm triển khai dự án cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh, nhưng với tinh thần làm việc “Xuyên đêm, xuyên lễ tết, xuyên dịch”, Tập đoàn Đèo Cả đã tăng cường tuyển dụng, đào tạo nhân lực địa phương, nỗ lực huy động hàng ngàn nhân sự, máy móc, thiết bị, bố trí các mũi thi công dự án.

Vượt qua “bão dịch” dự án lại đối mặt với “bão giá vật liệu”, Ban điều hành dự án đã chủ động đề xuất bổ sung mỏ vật liệu cấp theo cơ chế đặc thù, kết hợp tận dụng đất cải tạo nông nghiệp, sử dụng nguồn đá đào hầm kịp thời phục vụ thi công.

Đặc biệt, khi thi công hầm Núi Vung gặp địa chất yếu, sai khác rất nhiều so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hạng mục đường phát sinh khối lượng lớn đào phá đá nền đường, xuất hiện các tảng đá mồ côi có kích thước lớn (có viên đến khoảng 10.000m3), phát sinh xử lý nền đất yếu gần 1km,... nên tại nhiều thời điểm, dự án có nguy cơ không thể hoàn thành theo đúng kế hoạch.

_vts9967.jpg
Trên tuyến có hầm Núi Vung dài 2,2km, quy mô 3 làn xe, bề rộng hầm 14m, giai đoạn 1 sử dụng ống hầm Phải, lưu thông 2 chiều. 

Liên danh nhà đầu tư Đèo Cả - 194 do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu cùng các nhà thầu thi công từng bước khắc phục khó khăn, áp dụng sáng kiến phương pháp vòm ngược giả để vượt địa chất yếu. Đồng thời tổ chức thi công khoa học, kiểm soát tiến độ và chi phí Dự án bằng công nghệ mới như nhận diện khuôn mặt bằng sinh trắc học để quản lý nhân sự, cân điện tử để kiểm soát vật liệu, công nghệ BIM để quản lý chất lượng, tăng cường các mũi thi công để bù đắp tiến độ.

Ngày 23/4, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đã có thông báo kết qua kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Hội đồng thống nhất chấp thuận đưa dự án thành phần đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo vào khai thác. Đây cũng là dự án sớm nhất nhận được thông báo chấp thuận của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước trong số các dự án PPP cao tốc Bắc – Nam được triển khai thực hiện cùng giai đoạn này.

Hội đồng ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của nhà đầu tư, các nhà thầu và các bên có liên quan đã khắc phục nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án (như ảnh hưởng rất lớn của đại dịch covid -19, công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu thi công…) để hoàn thành công trình đường cao tốc có quy mô lớn, nhiều hạng mục công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp, đảm bảo tiến độ thi công xây dựng theo quy định của hợp đồng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sẵn sàng vận hành

Dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo hoàn thành, doanh nghiệp dự án đã đề xuất và được chấp thuận vận hành cao tốc từ ngày 26/4 để phục vụ nhu cầu đi lại gia tăng vào dịp lễ. Các cụm thiết bị ITS và camera dọc tuyến được bố trí vận hành bằng năng lượng mặt trời, tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tiết giảm chi phí và bảo vệ môi trường.

anh-clvh-1-.jpg
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hào chính thức khánh thành

Nhà đầu tư dự án chủ động bỏ kinh phí xây dựng các trạm dừng nghỉ tạm trên tuyến để phục vụ người dân miễn phí trong thời gian chờ Bộ GTVT phê duyệt đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ chính thức. Nhà đầu tư “nước rút” hoàn thành trạm dừng nghỉ tạm trong vòng chỉ 20 ngày, bố trí khu vệ sinh sạch sẽ, kéo điện lưới, lắp đặt điều hoà, khoan giếng nước sâu gần 300m để khắc phục khó khăn về nguồn nước vận hành trạm dừng nghỉ tạm để phục vụ miễn phí cho người dân lưu thông qua tuyến.

Từ khi triển khai dự án, doanh nghiệp dự án đã ưu tiên tuyển dụng người lao động địa phương tham gia thi công công trình. Khi hoàn thành, doanh nghiệp dự án chủ động đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực địa phương này tại Trung tâm Huấn luyện Thực hành Đèo Cả để sẵn sàng cho công tác quản lý vận hành dự án, mục tiêu nâng cao hiệu quả vận hành dự án nhằm phục vụ an toàn, tiện nghi, thông suốt cho người dân đi lại qua cao tốc này.

Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo nối thông cao tốc từ TP.HCM đến Nha Trang, giúp giảm một nửa thời gian so với đi quốc lộ 1, góp phần hoàn thiện hệ thống cao tốc Bắc – Nam, tạo sức bật quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước.

Đây cũng chính là công trình hiện thực hóa khát vọng tiên phong đổi mới của Đèo Cả trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo phương thức PPP./.

Cùng chuyên mục
Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo: Dự án PPP kiểu mẫu trong huy động vốn và tiết kiệm cho Nhà nước