Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB BHYT. Ảnh: VPQH |
Hàng nghìn tỷ đồng kinh phí KCB BHYT chưa được thanh, quyết toán
Chỉ ra những khó khăn trong thực hiện chính sách BHYT, đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) nêu, hiện nay tỷ lệ chi KCB BHYT ở các tuyến vẫn tiếp tục mất cân đối. Ở tuyến tỉnh và tuyến trung ương, kinh phí này chiếm tới 67,9%, trong khi số lượt KCB chỉ chiếm khoảng 23,8%, còn ở tuyến huyện và tuyến xã, kinh phí này chiếm khoảng 32%, trong khi số lượt KCB chiếm tới hơn 76%.
Đáng chú ý, một số vướng mắc trong tạm ứng, thanh, quyết toán tồn tại nhiều năm, Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp giải quyết nhưng vẫn còn 5.323 tỷ đồng từ năm 2016 đến nay chưa được thanh, quyết toán.
Bên cạnh đó, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, tỷ lệ chi tiền túi của người dân trên tổng chi thường xuyên cho y tế còn cao (45%). Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là 20%. “Điều này phản ánh một thực tế là Quỹ bảo hiểm y tế chưa bao phủ được nhu cầu và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe của người dân”- đại biểu nói.
Từ thực tế trên, đại biểu Đoàn Thị Hảo đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các quy định hiện hành, xác định những vướng mắc bất cập, kịp thời bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý về BHYT để thống nhất thực hiện trong cả nước. Đồng thời, thực hiện thanh, quyết toán dứt điểm số tiền phát sinh trước năm 2021 là năm 5.323 tỷ đồng.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP.HCM) dẫn chứng, các bệnh viện tại TP.HCM đang bị Quỹ BHYT từ chối thanh toán 1.400 tỷ đồng vì tổng mức thanh toán bị vượt quá mà nguyên nhân là số bệnh nhân tăng.
“Quỹ BHYT được lập ra với mục tiêu tốt là để người không có bệnh góp lo cho người có bệnh. Nhưng vì khó tăng thu Quỹ nên các cơ quan tìm cách giảm chi từ Quỹ. Các bệnh viện bị ép giảm chi BHYT từ giá dịch vụ, thuốc, vật tư đến mức không đúng với giá của nó nhưng khi thanh toán vẫn không dễ dàng" – đại biểu phản ánh.
Cấp bách có giải pháp xử lý dứt điểm
Phân tích rõ hơn về những vướng mắc trong công tác tài chính của cơ sở y tế, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình), chỉ rõ, nguồn tài chính của cơ sở y tế được xác định từ 2 nguồn cơ bản là ngân sách nhà nước cấp và BHYT chi trả.
Thực tế, ngân sách nhà nước cấp cho y tế và BHYT có tăng nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân đầu người vẫn thấp, tỷ lệ chi tiền từ túi hộ gia đình vẫn ở mức cao, trên 40% tổng chi. Độ bao phủ BHYT rộng nhưng chưa bền vững, bằng chứng là tỷ lệ BHYT giảm khi người dân không còn được hỗ trợ của Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Thị Hảo phát biểu thảo luận về những bất cập trong thực hiện chính sách BHYT. Ảnh: VPQH |
Đặc biệt, thanh toán chi phí KCB BHYT giữa cơ sở y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội còn nhiều bất cập.
Cụ thể, về tổng mức thanh toán. Đây là số tiền cơ quan bảo hiểm xã hội xác định lại cho từng bệnh viện nhưng là xác định sau khi đã thanh quyết toán chi phí KCB của năm trước. Trong khi đó, toàn bộ chi phí này đều nằm trong phạm vi được hưởng. Mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế đã hoàn thành và được cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức giám định theo đúng quy định.
Thêm vào đó, việc xác định hệ số k là hệ số biến động về giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại các cơ sở KCB. Nhưng thực chất trong những năm qua, chỉ số k về nhóm thuốc do Tổng cục Thống kê tính toán cũng chỉ căn cứ vào mặt hàng do hộ gia đình sử dụng chứ chưa căn cứ vào sự biến động thuốc sử dụng tại cơ sở KCB. Do đó, tổng mức thanh toán thường thấp hơn nhiều so với tổng chi phí KCB BHYT mà cơ sở y tế đã cung cấp dịch vụ cho người dân.
“Với cơ sở như vậy thì nguy cơ hết năm 2022, tổng mức thanh toán chi phí KCB BHYT cho các bệnh viện sẽ thấp đi rất nhiều và giảm đi rất nhiều so với chi phí thực tế cơ sở KCB đã sử dụng cho người bệnh” – đại biểu băn khoăn.
Đại biểu Đoàn Khánh Thu cũng chỉ ra, việc thanh toán chi phí KCB BHYT cho người bệnh mắc Covid-19 có mắc bệnh khác vẫn còn vướng mắc, như hồ sơ thanh quyết toán cho người nhiễm Covid tại khu cách ly tập trung chưa được thanh toán. Chi phí thuốc điều trị cấp cứu cho người bệnh Covid đã mua sắm từ nguồn ngân sách nhưng không sử dụng hết, đề nghị sử dụng cho người bệnh BHYT và thanh toán với cơ sở KCB nhưng chưa được thực hiện.
Đại biểu Đoàn Khánh Thu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội những giải pháp cấp bách đưa vào nghị quyết kỳ họp này của Quốc hội để kịp thời tháo gỡ ngay. “Đề nghị Quốc hội cho phép xem xét tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện được gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm những tồn đọng liên quan đến chi phí KCB đang chưa được thanh toán do vượt tổng mức thanh toán” – đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề xuất, giải pháp tình thế cấp bách là cần giảm các thủ tục bằng những nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội. Về lâu dài, cần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan như sửa Luật KCB, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế và sẽ phải có Luật Trang thiết bị…
Đặc biệt, đối với BHYT phải cân đối thu chi bằng một hướng tiếp cận khác, không phải như hiện nay là vì thu rất thấp và không có khả năng tăng nguồn thu mà chỉ muốn giảm chi.
“Tôi đề nghị phải tính toán lại theo hướng đa dạng các nguồn thu gồm BHYT cơ bản và các bảo hiểm phụ. Danh mục thanh toán BHYT phải theo tỷ lệ hợp lý và giá trị thanh toán phải đúng để bảo đảm chất lượng, nếu thiếu thì ngân sách nhà nước phải bù” – đại biểu đề xuất.
Giải trình làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, nguyên nhân chậm thanh toán BHYT là do vướng mắc liên quan giữa Luật BHYT và Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Một số nội dung quy định chưa thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến khó khăn khi áp dụng tổng mức thanh toán của BHYT. "Không được thanh toán là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh viện gặp khó khăn trong mua sắm, đấu thầu" – Bộ trưởng nói.
Để tháo gỡ, Chính phủ đã giao Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu sửa Nghị định 146. Hiện Dự thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Trong thời gian chờ nghị định mới, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị quyết đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí KCB. Bộ cũng phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường kiểm soát chi phí KCB, hạn chế lạm dụng trục lợi Quỹ BHYT để đảm bảo an toàn Quỹ.