Cắt giảm lãi suất có phải là "thuốc giải độc" hiệu quả cho COVID-19

(BKTO)- Trước động thái nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng liều thuốc tốt nhất không phải là cắt giảm lãi suất mà là sự tập trung vào sức khỏe cộng đồng. Chỉ các bác sĩ mới có thể cứu thị trường khỏi dịch Covid-19.



                
   

Cục Dự trữ Liên bang Mỹquyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp nhằm ứng phó tác động của dịch COVID-19 - Nguồn: Sưu tầm.

   

Các ngân hàng trung ương đồng loạt hạ lãi suất

Nhằm đối phó với những ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của dịch Covid-19, nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã có những động thái hỗ trợ.Ngân hàng trung ương Australia và Malaysia đã hạ lãi suất vào ngày 3/3, còn New Zealand và Indonesia đã hạ một ngày trước đó, trong khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng đã phát đi những tín hiệu về việc này.

Ngoài ra, một số ngân hàng nhiều khả năng cũng gia nhập danh sách này trong thời gian tới như Ngân hàng trung ương Canada sẽ họp chính sách vào hôm nay 4/3, tiếp đến Ngân hàng Trung ương châu Âu họp vào ngày 12/3.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng tiết lộ đang chuẩn bị cho một kế hoạch tương tự, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Moon Jae-in, vào tuần trước đã nói rằng nền kinh tế quốc gia đang trong tình trạng khẩn cấp, cần có sự kích thích để tăng nhu cầu nội địa.

Còn ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngày 3/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ(Fed) cũng đã thông báo đã quyết định cắt giảm lãi suất khẩn cấp nhằm ứng phó tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế đang tăng trưởng của Mỹ.Trong một quyết định được đồng thuận, Ủy ban Thị trưởng Mở Liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đã hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống biên độ 1-1,25%.Đây là lần đầu tiên Fed đưa ra quyết định hạ lãi suất giữa các cuộc họp kể từ năm 2008 và là lần hạ mạnh nhất kể từ thời điểm đó.

Động thái mạnh mẽ và bất ngờ của Fed được đưa ra chỉ 15 ngày trước khi diễn ra cuộc họp chính sách lần tới, cho thấy những lo ngại gia tăng về tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu, khi các chuỗi cung ứng liên quan đến tâm dịch là Trung Quốc đều bị gián đoạn.

Thậm chí, nhiều chuyên gia tài chính còn dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất hai lần trong năm nay, và dự kiến Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) cũng sẽ giảm lãi suất ít nhất một lần.

Cũng trong ngày 3/3, các Bộ trưởng tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cũng đã tuyên bố sẽ sử dụng tất cả các công cụ chính sách thích hợp để đạt được sự tăng trưởng vững mạnh và lâu dài, cũng như đảm bảo chống lại những rủi ro từ dịch COVID-19.

Liều thuốc giải "độc" hiệu quả ?

Tuy nhiên, đánh giá về những biện pháp hỗ trợ của các ngân hàng trung ương trên thế giới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: "Liều thuốc" tốt nhất không phải là cắt giảm lãi suất mà là sự tập trung vào sức khỏe cộng đồng. Chỉ các bác sĩ mới có thể cứu thị trường khỏi dịch Covid-19.

Thực tế cũng cho thấy, như ở Mỹ tác động tức thì từ quyết định hạ lãi suất của Fed dường như đi ngược lại với mong muốn, khi các nhà đầu tư đổ xô mua vào các tài sản an toàn, khiến lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ xuống thấp kỷ lục, trong khi thị trường chứng khoán để mất gần như toàn bộ đà tăng trong phiên 2/3.

Chỉ số Dow Jones phiên 3/3 mất gần 3%, tương đương 800 điểm, xóa bỏ gần như toàn bộ số điểm tăng trong phiên trước, khi chỉ số này tăng tới gần 1.300 điểm và tăng mạnh nhất tính theo tỷ lệ phần trăm kể từ năm 2009. Trong khi đó, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống dưới 1% lần đầu tiên.

Phản ứng của thị trường dường như cho thấy những lo ngại của các nhà kinh tế là có lý, khi họ cho rằng động thái hạ lãi suất của Fed đi quá xa, và thay vì giúp các nhà đầu tư trên toàn cầu bình tâm, Fed lại có thể khiến họ hoảng loạn bởi xem đó là dấu hiệu cho thấy cơ quan này dự kiến về một cuộc suy thoái.

Nhà kinh tế Joel Naroff cho rằng Fed đã hoảng loạn và lãng phí công cụ dự phòng.Một ý kiến trên tờ The New York Times cho rằng cơ quan có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế trong ngắn hạn thời điểm này không phải là Fed mà là Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh.Fed có rất ít khả năng để bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế Mỹ trong thời gian tới khi dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng và điều quan trọng nhất mà Chính phủ Mỹ có thể làm để hạn chế thiệt hại kinh tế là có một phản ứng y tế công cộng hiệu quả.

Phân tích sâu hơn, giới chuyên gia nhận địnhviệc cắt giảm lãi suất không phải là "thuốc giải độc" hiệu quả cho COVID-19. Lãi suất thấp hơn làm tăng trưởng kinh tế bằng cách thúc đẩy nhu cầu, trong khi sự gián đoạn gây ra bởi sự lây lan của virus đang làm giảm nguồn cung hàng hóa. Cắt giảm lãi suất không giải được bài toán về cú sốc cung.

Điều đó sẽ không làm cho công nhân Trung Quốc trở lại nhà máy làm việc hay kích thích giao thương trên Thái Bình Dương.Cắt giảm lãi suất sẽ không giúp cho nền kinh tế trong nước chống lại sự gián đoạn khi các công nhân Mỹ ở nhà vì họ ốm hoặc vì họ không muốn bị lây bệnh - một chuyên gia nhận định.

Hay một ví dụ dễ thấy khác là Trung Quốc đã đóng cửa hàng ngàn rạp chiếu phim trong nước để hạn chế sự lây lan của virus. Các rạp không thể tăng doanh thu bán vé bằng cách giảm giá, Chính phủ cũng không thể tăng doanh thu bằng cách cắt giảm lãi suất để bỏ thêm tiền vào túi của công nhân. Sẽ không có doanh thu bán vé cho đến khi các rạp chiếu phim mở cửa trở lại, điều này khiến doanh thu tổn thất không chỉ cho các rạp chiếu Trung Quốc mà còn cho các hãng phim có phim không chiếu ở các rạp đó...
NAM SƠN (tổng hợp)
Cùng chuyên mục
Cắt giảm lãi suất có phải là "thuốc giải độc" hiệu quả cho COVID-19