Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm IUU để gỡ ‘thẻ vàng’ của EC

(BKTO) - Việt Nam phải giảm dần số lượng tàu cá vi phạm các quy định về chống Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và chấm dứt tình trạng này vào năm 2022 để gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), tuyệt đối không để tình trạng tiếp tục vi phạm dẫn tới bị áp “thẻ đỏ”.



                
   

Cuộc họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU. Ảnh: chinhphu.vn

   

Sáng 13/7, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) đã có cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo.

Việt Nam đang đi đúng hướng

Ngày 23/10/2017, EC đã đưa ra cảnh báo “Thẻ vàng” đối với hoạt động IUU và nêu 9 khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần phải thực hiện để gỡ “Thẻ vàng”. Phía EC đã tổ chức 2 đợt kiểm tra thực tế tại Việt Nam vào tháng 5/2018, tháng 11/2019 và rút xuống còn 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, từ năm 2020 đến nay, do dịch bệnh COVID-19, EC không thể sang Việt Nam kiểm tra thực tế. Tuy nhiên, kết quả thực hiện 4 nhóm khuyến nghị của EC thường xuyên được Bộ cập nhật, báo cáo EC. Hằng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trên 10 đoàn công tác đi kiểm tra tại 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Tính đến ngày 30/6/2021, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 26.915 tàu (đạt 87,45%). Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là 85.620 tàu, đạt 90,53%. Hiện cả nước có tổng cộng 49 cảng được chỉ định đủ điều kiện cho công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác cho tàu cá Việt Nam cập cảng bốc dỡ thủy sản.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống IUU; khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng.

Kết quả triển khai các quy định về chống IUU đã có sự chuyển biến hơn so với trước như kết quả lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đánh dấu tàu cá đã có sự tiến bộ rõ rệt. Cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản) đã được xây dựng kết nối từ Trung ương đến địa phương.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, trong năm 2021 giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm, đến năm 2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tuyệt đối không để bị áp “thẻ đỏ”

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, việc EC đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thủy sản Việt Nam gây ảnh hưởng đến ngành thủy sản Việt Nam và đời sống của bà con ngư dân; ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước. Vì vậy, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo để từng bước gỡ “thẻ vàng” và tuyệt đối không để nguy cơ bị “thẻ đỏ”.

Định hướng các giải pháp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo, quyết tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương là giảm dần số lượng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống IUU và chấm dứt tình trạng này vào năm 2022 để gỡ “thẻ vàng” của EC. Tuyệt đối không để tình trạng tiếp tục vi phạm dẫn tới bị áp “thẻ đỏ”.

Cho rằng nhận thức của ngư dân là rất quan trọng, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, giải thích pháp luật, vận động ngư dân thay đổi thói quen, nhận thức rõ các hành vi vi phạm, tuyệt đối tuân thủ các quy định về khai thác thủy sản. Hệ thống chính trị của 28 tỉnh, thành phố ven biển phải làm tốt công tác này, có tác dụng hơn nhiều biện pháp xử phạt.

Cùng với tuyên truyền, phải rà soát, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo phòng chống IUU một cách hiệu quả. Đồng thời, tổ chức thực thi pháp luật cho tốt, đây là điểm mấu chốt.

Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát trên biển, ngăn chặn các hoạt động sử dụng phương tiện đánh bắt trái phép, hoạt động sai vùng, tuyến và hoạt động đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bộ Công an tập trung chỉ đạo các lực lượng nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Các Bộ, ngành, 28 địa phương ven biển phải vào cuộc quyết liệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC, trong đó, quan tâm bố trí đầu tư ngân sách cho vấn đề này…/.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm IUU để gỡ ‘thẻ vàng’ của EC