Chi cho người được huy động tham gia thi hành quyết định cưỡng chế 100.000 đồng/ngày

(BKTO) – Đó là nội dung được quy định tại Thông tư số 55/2021/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại do Bộ Tài chính vừa ban hành.



                
   

Một buổi kiểm sát công tác thi hành án dân sự tại Chi cục Thi hành án dân sự thị xã Long Mỹ (Hậu Giang). Ảnh: baohaugiang.com.vn

   

Thông tư nêu rõ việc xác định chi phí cưỡng chế thực hiện theo Điều 43 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại (Nghị định 44).

Theo đó, các chi phí quy định tại Điều 43 Nghị định 44 được thực hiện căn cứ vào hợp đồng, thanh lý hợp đồng, biên bản bàn giao tài sản kê biên (đối với chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên), hóa đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định hiện hành và được người ra quyết định cưỡng chế phê duyệt.

Mức chi cho người chủ trì thi hành quyết định cưỡng chế thuộc cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế là 150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế. Mức chi cho người được huy động tham gia thi hành quyết định cưỡng chế là 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.

Việc cấp phát chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại thực hiện theo quy định của pháp luật về NSNN và Nghị định số 11/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc nhà nước.

Thông tư nêu rõ, trước khi tổ chức việc cưỡng chế, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phê duyệt dự toán chi phí cưỡng chế. Dự toán chi phí cưỡng chế được lập căn cứ vào biện pháp cưỡng chế cần áp dụng, thời gian, địa điểm cưỡng chế, phương án tiến hành, lực lượng tham gia (số lượng, thành phần tham gia) phục vụ cho cưỡng chế.

Dự toán chi phí cưỡng chế sau khi được phê duyệt phải được gửi cho đối tượng bị cưỡng chế 1 bản cùng với quyết định cưỡng chế, quyết định về khâu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp (đối với biện pháp phong tỏa tài khoản) để nộp chi phí cưỡng chế.

Đồng thời, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phải gửi tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước, công ty chứng khoán đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp và cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế cùng cấp (trường hợp áp dụng Điều 42 Nghị định 44).

Trường hợp thực hiện việc cưỡng chế bằng biện pháp phong tỏa tài khoản, thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự ra quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại. Số tiền khấu trừ không được vượt quá số tiền để thi hành biện pháp tư pháp và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế. Ngay sau khi nhận được quyết định phải thi hành biện pháp tư pháp, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước đang quản lý tài khoản của pháp nhân thương mại, công ty chứng khoán nơi pháp nhân thương mại mở tài khoản chứng khoán phải khấu trừ tiền trong tài khoản và chuyển cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền để tổ chức cưỡng chế thi hành biện pháp tư pháp.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2021./.

THÙY ANH
Cùng chuyên mục
Chi cho người được huy động tham gia thi hành quyết định cưỡng chế 100.000 đồng/ngày