Chăm lo người có công: Nhà nước và xã hội cùng vào cuộc

MINH LONG (Thực hiện) | 26/07/2023 14:00

(BKTO) - Đề cập đến công tác chăm sóc người có công (NCC) với cách mạng, ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Người Có công, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - cho biết: Cùng với vai trò chủ đạo của Nhà nước, công tác chăm sóc NCC với cách mạng được xã hội hóa sâu rộng từ trung ương đến địa phương.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung thăm hỏi các Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023. Ảnh:molisa.gov.vn

Thưa ông! Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo cho NCC và thân nhân NCC với cách mạng. Xin ông cho biết, việc triển khai công tác này đã đạt được kết quả như thế nào trong những năm qua?

Triển khai Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, đến nay, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu NCC.

Trong số 9,2 triệu NCC, người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945: trên 9.000 người; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước ngày khởi nghĩa 19/8/1945: gần 16.500 người; Liệt sĩ: trên 1,2 triệu người; Bà mẹ Việt Nam anh hùng: gần 140.000 người…

Bên cạnh đó, trợ cấp ưu đãi và nhiều chế độ ưu đãi khác đối với NCC và gia đình NCC với cách mạng được triển khai thực hiện đồng bộ, như: chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ về nhà ở…

Hệ thống cơ sở sự nghiệp nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, thân nhân liệt sĩ và NCC với cách mạng thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng yêu cầu nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC với cách mạng.

Mộ liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ được tu bổ, tôn tạo, nâng cấp và chăm sóc. Công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ cũng được triển khai đồng bộ và có hiệu quả. Hàng nghìn hài cốt liệt sĩ được quy tập, hàng trăm hài cốt liệt sĩ được xác định danh tính …

ong-dao-ngoc-loi.png
Theo Cục trưởng Cục Người có công Đào Ngọc Lợi, trợ cấp ưu đãi và nhiều chế độ ưu đãi khác đối với NCC và gia đình NCC với cách mạng được triển khai thực hiện đồng bộ. Ảnh: ST

Hằng năm, ngân sách nhà nước đã dành trên 30.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp, chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách…

Đặc biệt, năm 2023, thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng và Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ LĐTBXH đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi NCC với cách mạng.

Theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng được nâng từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng và được thực hiện từ ngày 01/7/2023, ngân sách đảm bảo là 33.000 tỷ đồng.

Cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, công tác chăm lo NCC đã nhận được sự quan tâm của xã hội như thế nào, thưa ông?

Cùng với vai trò chủ đạo của Nhà nước, công tác chăm sóc NCC với cách mạng được xã hội hóa sâu rộng từ trung ương đến địa phương, huy động được tiềm năng to lớn của cộng đồng vào việc chăm sóc, ổn định đời sống của NCC.

Từ những hành động “hiếu nghĩa bác ái” và phong trào “Mùa đông binh sĩ” trong những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám đến những vườn cây, ao cá, thửa ruộng, con gà, hũ gạo... nghĩa tình trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bước vào thời kỳ đổi mới, phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ đã phát triển thành các chương trình (Nhà tình nghĩa, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng).

Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC” với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: tặng nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa... được phát triển sâu rộng ở tất cả các địa phương, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của NCC và gia đình NCC với cách mạng.

Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng số 02/2020/UBTVQH14  quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện cụ thể của đại phương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định các chính sách đặc thù đối với NCC với cách mạng.

Thực tế cho thấy, nhiều địa phương như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… đã ban hành chế độ đặc thù đối với NCC như chế độ đối với thân nhân có nhiều liệt sĩ, thăm, tặng quà nhân dịp Tết và dịp 27/7 hằng năm, tạo việc làm cho con thương binh, con liệt sĩ… Điều đó đã góp phần từng bước nâng cao đời sống NCC và thân nhân NCC với cách mạng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông có thể cho biết công tác chăm sóc NCC còn có điều gì chưa được như kỳ vọng?

Mặc dù Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã có nhiều nỗ lực, cố gắng song thực tế hiện nay, cuộc sống của một số NCC với cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn.

Công tác hỗ trợ nhà ở, chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, điều trị thương tật do chiến tranh, hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho NCC và thân nhân NCC chưa được chu đáo.

Vẫn còn một số NCC chưa được hưởng đầy đủ những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Việc xác định danh tính các liệt sĩ vẫn còn những khó khăn, thách thức do hiếu thông tin…

anh-ncc-2.jpg
Chăm lo NCC là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Ảnh:molisa.gov.vn

Như ông vừa trao đổi, cuộc sống của một số NCC  vẫn gặp nhiều khó khăn. Vậy theo ông, cần làm gì để nâng mức sống cho NCC, thân nhân NCC?

Để NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, không còn NCC là thành viên thuộc hộ nghèo, trong thời gian tới, các địa phương cần nỗ lực thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định của pháp luật về ưu đãi NCC và thân nhân NCC với cách mạng.

Các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội phát huy tinh thần trách nhiệm, toàn xã hội chung tay góp sức trong công tác chăm sóc NCC. Lồng ghép cùng chương trình mục tiêu quốc gia trong việc xóa hộ nghèo, cận nghèo; đồng thời khơi dậy sự vươn lên của NCC và thân nhân NCC với cách mạng trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tổ chức thực hiện chính sách ở địa phương nhằm giúp địa phương thực hiện đúng việc công nhận và chế độ, chính sách đối với NCC, hạn chế trục lợi chính sách.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Cùng chuyên mục
Chăm lo người có công: Nhà nước và xã hội cùng vào cuộc