Xu hướng tuyển dụng tích cực tại nhiều ngành nghề
Đơn cử tại Hà Nội, từ đầu năm đến nay, các phiên giao dịch việc làm liên tục diễn ra trên địa bàn Thành phố với hàng nghìn chỉ tiêu tuyển dụng ở mỗi phiên.
Gần đây nhất, phiên giao dịch việc làm quận Tây Hồ cũng được tổ chức với sự tham gia của 36 đơn vị, doanh nghiệp, tổng số nhu cầu tuyển dụng, xuất khẩu lao động, du học là 2.030 chỉ tiêu, nhu cầu tuyển sinh là 440 chỉ tiêu. Các doanh nghiệp tuyển dụng nhiều chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ, chiếm 44%, ngoài ra còn có các lĩnh vực khác như: Sản xuất, xuất khẩu lao động, giáo dục - đào tạo, vận tải...
Tương tự, phiên giao dịch việc làm huyện Gia Lâm cho thấy, 36 đơn vị, doanh nghiệp tham gia có nhu cầu tuyển 1.430 chỉ tiêu việc làm. Trong đó: Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Cao đẳng - Đại học chiếm tỷ lệ cao nhất: 665/1.430 lao động (46,5%), nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Trung cấp - công nhân kỹ thuật: 343/1.430 lao động (23,9%), nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông: 422/1.430 lao động (29,6%).
Tham gia Phiên giao dịch việc làm, ông Nguyễn Văn Thành - chuyên viên kinh doanh và tuyển dụng của Công ty TNHH BIC (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho hay, Công ty hiện có kế hoạch tuyển dụng một lượng lớn lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Các lao động đã qua đào tạo là một lợi thế. Đối với lao động chưa có kinh nghiệm, Công ty sẽ tổ chức đào tạo và có lộ trình thăng tiến rõ ràng.
Dự báo về thị trường lao động những tháng tiếp theo, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - nhận định, nhu cầu sử dụng lao động sẽ có xu hướng phân hóa theo từng ngành sản xuất kinh doanh tùy theo diễn biến của kinh tế trong nước và quốc tế, có thể sẽ tăng trưởng chậm lại so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, qua nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp, xu hướng tuyển dụng lao động những tháng cuối năm trên địa bàn Thủ đô vẫn khá tích cực.
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, tính đến hết tháng 6/2023, lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; riêng khu vực thành thị là gần 19 triệu người, tăng 355 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 547,1 nghìn người. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 913,2 nghìn người, giảm 192,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực...
Với TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố đánh giá, dù còn nhiều khó khăn và thách thức nhưng với dấu hiệu đang dần phục hồi, thị trường lao động Thành phố cũng sẽ có những chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm.
Dự kiến, 6 tháng cuối năm 2023, TP. Hồ Chí Minh cần 155.000 - 165.000 chỗ làm việc. Nhu cầu nhân lực tập trung ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ yếu, trong đó, ngành thương mại dịch vụ chiếm 64,5% tổng nhu cầu nhân lực, công nghiệp xây dựng 34,6%, nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,41%.
Triển vọng thị trường lao động quý III/2023
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, theo dữ liệu đăng tuyển dụng của doanh nghiệp và người lao động tìm việc làm trong quý II, hơn 20.100 lượt doanh nghiệp đăng tuyển dụng hơn 70.500 lao động và có đến 78.074 người tìm việc.
Phần lớn người tìm việc kỳ vọng mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, chiếm 48%. Ngoài ra, 29,9% người mong muốn nhận mức lương 10 - 15 triệu đồng/tháng. Người lao động tìm việc chủ yếu từ 20 đến gần 40 tuổi, trong đó, hơn 40% người tìm việc từ 30 đến 39 tuổi, 36,5% người từ 20 đến 29 tuổi.
“Cùng với sự thay đổi của thị trường lao động, xu hướng dịch chuyển lao động cũng rất rõ rệt. Người lao động ưa thích tìm kiếm những công việc linh hoạt, bán thời gian, với nhiều ngành nghề, thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, quan điểm về những giá trị ưu tiên khi đi làm cũng đang có sự thay đổi, bên cạnh yếu tố lương, họ ngày càng quan tâm đến môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp, chế độ đào tạo, an toàn - sức khỏe, sự cân bằng giữa công việc - cuộc sống…”, ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Vận hành, Dịch vụ Khoán việc & Cho thuê lại lao động, ManpowerGroup Việt Nam - nhìn nhận.
Về triển vọng thị trường lao động quý III/2023, Bộ LĐTBXH dự báo sẽ có khoảng 51,5 triệu người có việc làm, tăng 267 nghìn người so với quý II/2023. Dự báo, 3 ngành có nhu cầu tăng việc làm là dịch vụ ăn uống tăng 114 nghìn người; bán buôn (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác) tăng 105 nghìn người; sản xuất thiết bị điện tăng 69,7 nghìn người. Trong khi đó, 3 ngành lại có nhu cầu giảm nhiều việc làm là sản xuất trang phục giảm 123 nghìn người, nông nghiệp và hoạt động dịch vụ giảm 78 nghìn người, bán lẻ giảm 32 nghìn người.
Ở góc độ địa phương, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, tuy thị trường lao động Hà Nội bị ảnh hưởng nhưng cũng có những tín hiệu hết sức tích cực. Điều này thể hiện ở việc các doanh nghiệp vẫn đăng ký với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội để tuyển dụng lao động với số lượng lớn.
Đơn cử, Công ty Cổ phần Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam - Chi nhánh Zettaplex tuyển dụng 161 chỉ tiêu cho nhiều vị trí việc làm với mức lương từ 5,5-14 triệu đồng/tháng, Công ty Cổ phần Bellsytem24-Hoasao tuyển 90 chỉ tiêu, mức lương từ 6-18 triệu đồng/tháng. Công ty Cổ Nhân lực hàng không Tasseco tuyển sinh và tuyển dụng 95 chỉ tiêu, mức lương 8-20 triệu đồng/tháng.
Để thị trường lao động phát triển, đảm bảo cung - cầu không lệch pha, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND về thu thập, lưu trữ, tổng hợp thông tin thị trường lao động năm 2023.
Theo đó, Thành phố sẽ tiến hành thu thập thông tin cơ bản, chính xác về nhân khẩu học, trình độ giáo dục phổ thông, trình độ chuyên môn kỹ thuật, lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tình trạng việc làm, thất nghiệp, không tham gia hoạt động kinh tế của người từ đủ 15 tuổi trở lên trong các hộ gia đình làm cơ sở quản lý nguồn nhân lực, đề xuất các chính sách về lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động (gọi tắt là thông tin cung lao động). Đây sẽ là bước tiến quan trọng để tiến tới xây dựng thị trường lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường, đồng thời hạn chế sự lệch pha về cung - cầu./.