Chấn chỉnh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên

(BKTO) - Chấn chỉnh tình trạng thừa, thiếu giáo viên là yêu cầu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đặt ra đối với toàn ngành giáo dục tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương mới đây. Đây cũng chính là vấn đề “nóng” của ngành giáo dục trong năm 2017 vừa qua.



Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên

Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thống kê toàn bộ biên chế và dự báo nhu cầu giáo viên ở tất cả các môn học, cấp học, lớp học để cùng với Bộ GD&ĐT đổi mới căn bản đào tạo giáo viên, bảo đảm “đủ giáo viên, không để thừa, thiếu cục bộ”. Động thái này được coi là tín hiệu tích cực hướng đến những thay đổi trong đào tạo nhân sự sư phạm thời gian tới.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tỷ lệ sinh viên sư phạm tốt nghiệp các năm 2015, 2016 có việc làm đạt khoảng 80%, vẫn thấp hơn tỷ lệ có việc làm chung trong toàn khối đại học là 86%. Thống kê cũng cho thấy, ở tất cả các cấp học hiện nay đang dôi dư cục bộ tổng số 26.750 giáo viên, thiếu 45.058 giáo viên. Trong đó, mầm non là cấp học duy nhất không dư thừa nhân lực và cũng là cấp học đang thiếu số lượng giáo viên nhiều nhất, trên 32.600 người. Việc bố trí số lượng giáo viên thiếu cân đối, hợp lý ở từng cấp học, môn học và mỗi địa phương khác nhau được cho là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Tuy nhiên, như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Việc khắc phục tình trạng dư thừa giáo viên những năm trước để lại là không dễ dàng, phải làm từng bước. Trong đó, các trường sư phạm cần chủ động nắm bắt nhu cầu thực tiễn của các địa phương để xây dựng các chương trình đào tạo chuyển đổi cho phù hợp. “Thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, tạo sức hấp dẫn, thu hút người học đối với ngành sư phạm; tăng cường kiểm định chất lượng các trường sư phạm, chương trình đào tạo sư phạm; đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm” - Bộ trưởng nói.

Đồng thời, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cam kết, Bộ này sẽ phối hợp với các trường xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo lại số lượng giáo viên trong biên chế nhưng đang bị dôi dư. Đây là giải pháp cấp bách góp phần giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại địa phương.


Giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục trong năm 2018. Ảnh: NGỌC THẠCH

Đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng

Trước đó, tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đã đến lúc, ngành sư phạm phải chấm dứt tình trạng đào tạo ra không sử dụng. Để làm được điều đó, không có cách nào khác là phải đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng và yêu cầu về chất lượng.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, hiện nay cả nước có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có đào tạo giáo viên. Từ năm 2013, Bộ đã có chủ trương hạn chế mở ngành đào tạo sư phạm; tạm dừng xem xét hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo mới thuộc khối ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; tạm dừng tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo viên trung học phổ thông; tạm dừng tuyển sinh đào tạo từ xa đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên…

Từ năm 2016, Bộ yêu cầu các trường báo cáo số sinh viên tốt nghiệp có việc làm hằng năm trong từng ngành để xác định tính hiệu quả, thiết thực của các chương trình đào tạo theo nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Đặc biệt, trong năm học 2017-2018, ngành giáo dục đặt mục tiêu hoàn thành việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Theo đó, các trường có chất lượng cao, uy tín sẽ được chọn làm trung tâm. Các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.

Xác định những việc làm vừa qua là cần thiết, song theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chừng đó là chưa đủ để giải quyết tình trạng dôi dư giáo viên, cử nhân sư phạm ra trường không tìm được việc làm. Do đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ sẽ tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên tại từng địa phương, đưa ra con số chính xác về nhu cầu giáo viên và cam kết sử dụng sau khi đào tạo. Từ năm 2018, Bộ sẽ giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo cơ chế đặt hàng dựa trên nhu cầu của địa phương và năng lực của cơ sở đào tạo. Theo đó, “chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm phải gắn chặt với nhu cầu sử dụng. Sinh viên sư phạm phải là những học sinh ưu tú nhất” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, cùng với việc khảo sát nhu cầu để xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm, Bộ GD&ĐT nên đề xuất bỏ chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Bởi, ở thời điểm hiện nay, việc miễn học phí không còn là động lực đối với người học, thậm chí, chính sách này đang vô hình khiến ngành sư phạm giảm đi giá trị. “Đào tạo ồ ạt, tràn lan, cộng với tâm lý học không mất tiền nên nhiều học sinh đăng ký thi vào sư phạm mà không cân nhắc đầu ra” - TS. Lê Viết Khuyến (Hội Khuyến học Việt Nam) lưu ý.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 01 ra ngày 04-01-2018
Cùng chuyên mục
  • Tạo dựng hình ảnh cơ quan  bảo hiểm xã hội đổi mới, chuyên nghiệp
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Khép lại năm 2017, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) được đánh giá là đã gặt hái những thành công lớn về mọi mặt. Đó là những bước tiến trong thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT); tạo dựng hình ảnh cơ quan BHXH đổi mới, chuyên nghiệp, đem lại sự hài lòng cho người dân, DN… Đây là cơ sở quan trọng để ngành tiếp tục phấn đấu vượt khó, tạo sức bật trong thực hiện nhiệm vụ năm 2018.
  • Ngăn chặn trục lợi  Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chính sách mang ý nghĩa hỗ trợ người lao động trong trường hợp bị mất việc làm, góp phần giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn, ổn định cuộc sống và sớm quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách nhân văn này đang bị lạm dụng, làm mất đi bản chất của BHTN, khiến nguồn Quỹ BHTN bị thất thoát.
  • Kỷ niệm 45 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972-12/2017): Vang mãi bản hùng ca bất tử
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Sử dụng “pháo đài bay” B52 ném bom với ý định biến miền Bắc, Thủ đô Hà Nội “trở về thời kỳ đồ đá” hòng chiếm lợi thế trên bàn đàm phán; thế nhưng, âm mưu của Mỹ đã bị đập tan trước ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân ta…Đến tận bây giờ, ký ức về một thời rực lửa vẫn vẹn nguyên trong trái tim của những người chiến sĩ anh hùng, quả cảm.
  • Quảng Trị trăn trở tìm hướng thoát nghèo
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Thiếu mô hình sản xuất bền vững hoặc sẵn có mô hình nhưng thiếu kinh phí để nhân rộng… là những khó khăn, thách thức mà Quảng Trị đang gặp phải trên con đường giảm nghèo hiện nay.
  • Hai vấn đề “nóng”  trong sửa Luật Giáo dục Đại học
    6 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Dự thảo Luật) vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố, lấy ý kiến với một số nội dung đáng chú ý như: Trường đại học (ĐH) được thành lập DN, được tự quyết định mức thu học phí...
Chấn chỉnh tình trạng nơi thừa, nơi thiếu giáo viên