Chấn hưng văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới

(BKTO) - 8 thập niên qua, dưới ánh sáng của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 (Đề cương), quá trình phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam đã có những bước tiến nhất định. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn một số hạn chế, đòi hỏi phải nghiên cứu các giải pháp khắc phục, hướng tới xây dựng hệ thống lý luận về văn hóa đảm bảo phát huy giá trị của Đề cương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

van-hoa.jpg
80 năm qua, nhiều quan điểm lớn của Đảng về văn hóa được thể hiện trong Đề cương vẫn còn nguyên giá trịẢnh sưu tầm

Không để chính sách chỉ “ở trên bàn giấy”

Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), những hạn chế trong vận dụng giá trị và nguyên tắc “dân tộc hóa - đại chúng hóa - khoa học hóa” đã khiến các quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp chưa được triển khai mạnh mẽ, chưa thực sự thấm sâu trong các tầng lớp nhân dân; việc quán triệt và thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn hóa và con người có lúc, có nơi chưa đạt yêu cầu đề ra và còn thiếu khoa học, đồng bộ.

Công tác cán bộ của lĩnh vực văn hóa (quản lý văn hoá, đội ngũ văn nghệ sĩ) chưa được quan tâm đúng mức. Cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ.

Ngoài ra, sự tham gia của các chủ thể cấp cơ sở, đặc biệt là những người chịu tác động trực tiếp của hệ thống thể chế, chính sách, còn mang tính hình thức. Môi trường văn hóa có lúc, có nơi chưa lành mạnh, có mặt xuống cấp.

Nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế còn chưa được quan tâm đúng mức. Do bất cập về cơ chế chính sách,  tình trạng bất bình đẳng giữa khu vực công lập và tư nhân trong việc tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Nhà nước chưa được cải thiện một cách hiệu quả. 

Để phát huy giá trị của Đề cương, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, lãnh đạo Bộ VHTTDL đề xuất, cần tiếp tục kiên trì thực hiện quan điểm đổi mới mạnh mẽ tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đảm bảo sự đồng bộ, cộng hưởng với pháp luật về văn hóa.

Tiếp tục tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Nghiên cứu hệ giá trị con người Việt Nam để xây dựng, phát triển con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới.

Đồng thời, phát triển con người gắn với chăm lo và đề cao văn hóa gia đình; đề cao văn hóa trong nhà trường; đề cao văn hóa trong xã hội, lan tỏa những giá trị truyền thống, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực”.

Nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân Nguyễn Hồng Vinh cho rằng, có 2 nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong thời gian tới để triển khai chính sách của Đảng ta về văn hóa. Cụ thể, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa, từ đó dẫn đến hành động, không để chính sách chỉ “ở trên bàn giấy”.

“Trong hành động, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ VHTTDL  rà soát lại các chính sách, chỉ thị, pháp luật của Đảng, Nhà nước về văn hóa, các chương trình quốc gia về văn hóa… còn vướng mắc ở đâu, vì sao những văn bản đã đầy đủ nhưng thực hiện còn chưa hiệu quả?” - ông Nguyễn Hồng Vinh kiến nghị.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, hoàn thiện lý luận về văn hóa

Nhằm tiếp tục phát huy giá trị của Đề cương, PGS, TS. Đào Duy Quát - nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương - nhấn mạnh tới việc thành lập Ban Chỉ đạo chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.

“Để chấn hưng và phát triển nền văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”… chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo. Trong đó, công tác tư tưởng phải gắn bó chặt chẽ với công tác tổ chức, cán bộ, với cơ chế chính sách trong thực hiện Chương trình quốc gia có mục tiêu chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đến năm 2045” - PGS, TS. Đào Duy Quát đề xuất.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, về mặt lý luận, vấn đề văn hóa với con người cần tiếp tục nghiên cứu. Bởi, khi nói đến văn hóa mà thiếu đi con người là thiếu đi chủ thể của văn hóa, do đó, cần nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của con người trong quá trình tạo ra văn hóa, từ văn hóa sẽ tạo nên cốt cách, bản lĩnh, phẩm chất cao quý của con người.

Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ VHTTDL xây dựng chương trình mục tiêu tổng thể về chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Theo đó, để xây dựng được một chương trình mục tiêu tổng thể về chấn hưng và phát triển văn hóa đến năm 2035 và tầm nhìn 2045, cần thấy rõ cơ sở khoa học xuyên suốt của Đề cương dựa trên thế giới quan, nhân sinh quan chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, dựa trên chủ nghĩa duy vật biện chứng và quan điểm lịch sử cụ thể./.

Tại cuộc họp về Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ VHTTDL tổng kết các chương trình về phát triển văn hóa trước đây, đặc biệt là Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016-2020; chủ trì phối hợp với các Bộ, ban, ngành, địa phương, huy động sự tham gia các tổ chức, đội ngũ nhân sĩ, trí thức, các nhà văn hóa để xây dựng đề xuất về Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam cho giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045 báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ và Thường trực Chính phủ trước ngày 30/6/2023.

Cùng chuyên mục
Chấn hưng văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới