Chất lượng gạo gia tăng, xuất khẩu ngày càng được giá

(BKTO) - Sáng 26/4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đã chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình xuất khẩu gạo quý I/2023 và phương hướng điều hành xuất khẩu gạo thời gian tới.

gao.jpg
Xuất khẩu gạo quý I/2023 tăng mạnh cả về lượng và giá trị. Ảnh minh họa: baodautu.vn

Quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 1,85 triệu tấn với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022 - theo số liệu của cơ quan hải quan Việt Nam.

Như vậy, giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Thông tin đáng chú ý nữa là có nhiều thời điểm, giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đứng đầu thế giới, cao hơn cả giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.

Theo ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gạo quý I ghi nhận sự tăng trưởng tốt ở cả các thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng. Trong đó, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo chất lượng cao. Qua đó cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính, có tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Dự báo tình hình xuất khẩu gạo thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Ngọc Nam cho rằng, những tháng cuối năm, giá lương thực sẽ tiếp tục có những biến động và các nước sẽ tăng cường dự trữ lương thực.

Trong khi đó, nguồn cung đang thấp hơn cầu nên xuất khẩu gạo năm nay rất thuận lợi. Các thị trường truyền thống cũng tăng nhập khẩu gạo của Việt Nam. Còn các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế xuất khẩu; giá gạo Thái Lan lại tăng, càng giúp cho Việt Nam có lợi thế xuất khẩu, nhất là khi có nguồn cung sớm từ vụ Đông Xuân với sản lượng và chất lượng ổn định.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh, tuy thị trường có nhiều tín hiệu tích cực song để thúc đẩy xuất khẩu, các Hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị có liên quan cần khẩn trương rà soát, có kiến nghị để Bộ Công Thương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo để tạo tiền đề, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chiến lược xuất khẩu gạo đến năm 2030 để các doanh nghiệp, địa phương có cơ sở thực hiện.

Bộ Công Thương sẽ phát huy vai trò liên kết giữa các thương nhân để định hướng xuất khẩu, chủ động đàm phán, giao dịch ký kết hợp đồng xuất khẩu có hiệu quả, nâng cao vị thế của gạo Việt Nam.

Cùng chuyên mục
Chất lượng gạo gia tăng, xuất khẩu ngày càng được giá