Chi gần 60 tỷ USD, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa gì chủ yếu?

(BKTO) - Thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố cho thấy, quý I/2020, cả nước chi 59,49 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa các loại, tăng 3,7% so với cùng kỳ 2019.



                
   

Biểu đồ: T.Bình

   

Hàng điện tử tăng; máy móc, nguyên liệu giảm

So với xuất khẩu, hoạt động nhập khẩu trong quý I có phần trầm lắng hơn với tốc độ tăng trưởng chỉ bằng một nửa (3,7% so với 7,5% của xuất khẩu).

Với tình hình tổng thể như vậy, nên số lượng nhóm hàng có kim ngạch tăng thêm ấn tượng ở lĩnh vực nhập khẩu trong quý đầu năm không nhiều.

Mặt hàng nhập khẩu duy nhất có kim ngạch tăng thêm “tỷ USD” trong quý I là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với con số tăng thêm 1,96 tỷ USD.

Một số nhóm hàng có tăng trưởng đáng chú ý có thể kể đến như như: Dầu thô tăng 721 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 480 triệu USD; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 270 triệu USD; lúa mì tăng 127 triệu USD...

Quý I cũng ghi nhận nhiều nhóm hàng nhập khẩu liên quan đến lĩnh vực sản xuất như máy móc thiết bị; nguyên phụ liệu của dệt may, da giày... giảm mạnh.

Điển hình: Nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày giảm 373 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 321 triệu USD; ô tô nguyên chiếc các loại giảm 318 triệu USD; sắt thép các loại giảm 256 triệu USD; xăng dầu các loại giảm 255 triệu USD...

Top 3 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất tính hết quý I là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày. Trong đó, 2/3 nhóm có tăng trưởng âm.

Cụ thể, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 13,75 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ thời gian năm trước.

Các thị trường nhập khẩu chủ yếu gồm: Hàn Quốc với kim ngạch 4,66 tỷ USD, tăng 2%; Trung Quốc với 2,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,3%; thị trường Đài Loan với 1,53 tỷ USD, tăng 32,6%...

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đứng thứ hai với 8,23 tỷ USD giảm 3,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng nhập khẩu trong quý I có xuất xứ chủ yếu từ: Trung Quốc đạt 3,17 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9%; Hàn Quốc đạt 1,53 tỷ USD, giảm 1,7%; Nhật Bản đạt 1,12 tỷ USD, giảm 0,6%...

Nhóm mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da, giày (bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày) đạt 5,09 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường nhập khẩu chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với trị giá 2,24 tỷ USD, giảm 7,8%; Hàn Quốc với 602 triệu USD, giảm 12%; thị trường Đài Loan đạt trị giá 576 triệu USD, tăng 2,3%…

Tăng nhập ở Nhật Bản, Hàn Quốc; giảm ở Trung Quốc

Quý I, châu Á tiếp tục là khu vực thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 48,04 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ 2019 và chiếm tới 80,7% tổng kim ngạch cả nước.

Xét theo quốc gia, vùng lãnh thổ, cả 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam đều nằm ở châu Á gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Trong khi kim ngạch nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc tăng khá thì thị trường lớn nhất là Trung Quốc lại sụt giảm.

Điều này dễ hiểu khi doanh nghiệp phải chuyển hướng tìm kiếm nguồn hàng bù đắp cho sự khó khăn ở thị trường Trung Quốc. Bởi quý I quốc gia láng giềng này là tâm dịch Covid-19 của thế giới và đã thực hiện nhiều biện pháp cách ly mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong quý I, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 16,16 tỷ USD, dù giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn duy trì vị thế số một khi chiếm đến 27,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Ưu thế của quốc gia này được thể hiện khi góp mặt ở hầu khắp các nhóm hàng nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các nhóm hàng chủ lực như đề cập ở trên.

Hàn Quốc đứng thứ ba với kim ngạch đạt 4,88 tỷ USD, nhưng lại là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong Top 3 khi đạt 14,2% và chiếm 8,2% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Trong khi đó, Nhật Bản đứng vi trí thứ hai với kim ngạch đạt 11,81 tỷ USD, tăng 3,2%, chiếm 19,9% tổng kim ngạch nhập khẩu trong quý I.
Theo haiquanonline.com.vn
Cùng chuyên mục
  • Triển khai dịch vụ công hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do COVID-19
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Sáng 17/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với các bộ, cơ quan liên quan về thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến kết nối, tích hợp, chia sẻ với Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG), triển khai một số dịch vụ công để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
  • Kiểm soát dịch bệnh - Chung sống an toàn - Điều chỉnh tích cực
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh 3 điểm này tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) với 63 địa phương, chiều 17/4.
  • Hoàn thiện cơ chế chia sẻ rủi ro, đảm bảo hài hòa lợi ích trong dự án PPP
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Theo các chuyên gia, hiện vẫn còn thiếu những quy định liên quan đến vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư về chia sẻ rủi ro trong các dự án hợp tác công - tư (PPP). Ngay cả những quy định về cơ chế chia sẻ rủi ro trong Dự thảo Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP) mà Chính phủ đã trình Quốc hội để thảo luận tại Hội trường cũng có một số bất cập, nếu không nâng cao vai trò của KTNN trong Luật PPP. Vấn đề trên đã nhận được sự quan tâm và nhiều ý kiến thảo luận tại Hội thảo “Dự án PPP và vai trò của KTNN”.
  • Việt Nam có thêm 14 ca được chữa khỏi Covid-19
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Ngày 17/4, Việt Nam chưa có thêm ca mắc bệnh Covid-19 mới và dự kiến sẽ có 14 trường hợp được công bố khỏi bệnh.
  • Hải quan cảng Cẩm Phả thu ngân sách hơn 1.200 tỷ đồng
    4 năm trước Đối nội
    (BKTO) - Lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cẩm Phả (Cục Hải quan Quảng Ninh) cho biết, tính đến hết 15/4, đơn vị thu ngân sách Nhà nước đạt 1.293 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019.
Chi gần 60 tỷ USD, Việt Nam nhập khẩu hàng hóa gì chủ yếu?