Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Tỷ lệ nghèo giảm mạnh giai đoạn 2010-2020
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế (WB) về Đói nghèo và Bình đẳng, trong thập kỷ qua, tỷ lệ nghèo đã giảm đầy ấn tượng.
Tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia thu nhập trung bình thấp của WB giảm từ 16,8% xuống còn 5% với trên 10 triệu người được thoát nghèo.
“Tăng trưởng trong thập kỷ qua ở Việt Nam nhìn chung có tính chất bao trùm. Sự thoát nghèo diễn ra đồng đều ở hầu hết các nhóm và nhiều gia đình thoát nghèo chỉ trong vòng một thế hệ. Một số nhóm có nhiều cơ hội vươn lên tầng lớp cao hơn, đó là các nhóm thoát nông hoàn toàn hoặc có được việc làm tại khu vực chính thức trong khoảng thời gian hai năm” - Báo cáo của WB nhận định.
Nguồn: WB |
Cũng theo WB, xu hướng về tình trạng nghèo cấp huyện trong một thập kỷ cho thấy các trung tâm kinh tế có nhiều tiến triển hơn so với các vùng sâu vùng xa. Vùng đạt kết quả giảm nghèo tuyệt đối tốt nhất là Đông Bắc nhờ các hoạt động công nghiệp phát triển.
Tiền lương tăng, tỷ lệ việc làm chính thức ngày càng tăng và sự di chuyển ra khỏi khu vực sản xuất nông nghiệp năng suất thấp giúp thu nhập của người lao động được nâng cao. Các việc làm mới được tạo ra hầu hết đều tốt hơn so với việc làm của các thế hệ trước đó.
Kết quả khảo sát cho thấy, thu nhập từ lương của các hộ gia đình tăng đáng kể, với mức tăng danh nghĩa (chưa điều chỉnh theo lạm phát) lên đến gần 100 triệu đồng, nghĩa là gần gấp 3 lần trong thập kỷ vừa qua.
Trong thập kỷ vừa qua, tỷ lệ các hộ gia đình có thu nhập từ lương tăng từ 64% lên 70%. Đặc biệt, tỷ lệ tham gia các công việc hưởng lương đòi hỏi kỹ năng trung bình và phi nông nghiệp đã và đang tăng lên, mang lại thu nhập cao và ổn định hơn cho các hộ gia đình.
Covid-19 cản trở tiến trình giảm nghèo
Tuy vậy, đại dịch Covid-19 xuất hiện đột ngột vào cuối thập kỷ đã làm ngưng trệ tiến độ tăng lương và cải thiện về chất lượng việc làm.
Đến cuối năm 2020, tốc độ lây lan của Covid-19 vẫn trong khả năng kiểm soát nhưng thị trường lao động chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch.
Theo số liệu thống kê chính thức, 9,1 triệu lao động (12,8% tổng số lao động) bị mất việc làm hoặc bị giảm lương trong quý I/2021 và thu nhập bình quân của lao động bị giảm 2,3% so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng, nhất là với nữ giới.
Nguồn: WB |
Một số tác động từ đại dịch gây ảnh hưởng nặng nề như tỷ lệ nghèo ở người Kinh và ở khu vực thành thị tăng nhẹ vào năm 2020 so với năm 2018. Hơn nữa, sự xuất hiện của biến thể Delta vào giữa năm 2021 dẫn tới sự thụt lùi sâu hơn.
Covid-19 cho thấy rõ tỷ lệ nghèo và tình trạng bất bình đẳng có xu hướng tăng lên. Trong nửa sau của thập kỷ, tiêu dùng của các hộ gia đình giàu tăng cao hơn so với các hộ nghèo, tốc độ tăng tiêu dùng hộ gia đình của nhóm 40% nghèo nhất vẫn thấp hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước.
Chênh lệch về mức tiêu dùng bình quân đầu người hằng năm theo số tuyệt đối giữa nhóm 10% nghèo nhất và giàu nhất tăng từ 48,5 triệu đồng trong năm 2010 lên 123,8 triệu đồng trong năm 2020.
Trong thập kỷ qua, vì các hộ nghèo nhất ngày càng tập trung vào các hoạt động nông nghiệp có thu nhập thấp nên những nhóm này có nguy cơ bị tụt hậu xa hơn và trở nên thiếu kết nối hơn với các lĩnh vực phát triển năng động của nền kinh tế
Kết quả giáo dục ở Việt Nam cũng có sự khác biệt theo tình trạng kinh tế của hộ gia đình và tiến triển về giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi cũng chững lại.
Về ứng phó với Covid-19, hộ nghèo phụ thuộc nhiều hơn vào các nguồn bên ngoài như vay nợ, trong khi hộ giàu có khả năng ứng phó tốt hơn nhờ các phương tiện vốn có như tiền tiết kiệm.
Các chính sách trụ cột cho giảm nghèo bền vững
Bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam - cho biết: “Tiến trình giảm nghèo và bình đẳng của Việt Nam không chỉ là vấn đề nâng cao mức sống tối thiểu và giải quyết tình trạng nghèo kinh niên. Chặng đường kế tiếp đề ra những định hướng kinh tế mới và bền vững cho người dân với khát vọng cao hơn. Đây là con đường đầy thử thách và chưa có tiền lệ trong bối cảnh kinh tế và khí hậu toàn cầu đang thay đổi ”.
Báo cáo của WB cho rằng, để Việt Nam hóa giải các thách thức về giảm nghèo, đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, việc hình thành vốn con người mang tính công bằng và tăng năng suất lao động là “chìa khóa” quan trọng.
Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc chuyển đổi sang việc làm với kỹ năng cao hơn nếu không tiếp tục cải cách giáo dục, phát triển kỹ năng và chuyển đổi thị trường lao động. Việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học sẽ là một bước quan trọng.
"Chính sách cần có mục tiêu kép để xử lý những thách thức về tình trạng nghèo kinh niên trong chặng đường vừa qua, đồng thời đặt nền tảng nhằm thực hiện những khát vọng của chặng đường kế tiếp" - WB khuyến nghị. |
Mặt khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Việt Nam đã giúp nhiều người thoát khỏi đói nghèo, nhưng một bộ phận dân số đáng kể vẫn trong tình trạng dễ bị tổn thương về kinh tế.
Cứ khoảng 5 người Việt Nam thì có một người sống dưới ngưỡng an ninh kinh tế là 5,5 USD/ngày và 1/10 người dễ bị tổn thương có nguy cơ đôi lúc bị rơi xuống dưới ngưỡng do các cú sốc gây ra.
Mức độ bao phủ trợ giúp xã hội của Việt Nam thấp hơn nhiều nước láng giềng Đông Á và Thái Bình Dương. Do đó, hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội là yêu cầu cần thiết.
Chính sách tài khóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Việt Nam tiến tới vị thế thu nhập cao một cách toàn diện.
Theo WB, Việt Nam cần mở rộng nguồn thu ngân sách, nghiên cứu các sắc thuế mới hoặc mở rộng ra các hoạt động kinh tế số đang phát triển, đồng thời loại bỏ những ưu đãi thuế mang tính lũy thoái.
Chi tiêu công cần được định hướng cho phù hợp. Các nội dung chi không đảm bảo hiệu suất và công bằng như trợ giá điện cần được tái định hướng sang các mục đích bao trùm và hiệu quả hơn./.
THÀNH ĐỨC