Chia sẻ khó khăn với người học trong dịch bệnh: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

(BKTO) - Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, không ít gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn do không đảm bảo nguồn thu nhập, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội học tập của học sinh, sinh viên (HS,SV). Trước tình hình đó, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã kịp thời có những hành động thiết thực để hỗ trợ HS, SV và gia đình, như không tăng học phí, hỗ trợ kinh phí cho người học...



Không tăng học phí, chia sẻ khó khăn với người học

Thực hiện chỉ đạo của cơ quan chủ quản, đề nghị của Bộ GD&ĐT, nhiều cơ sở giáo dục, địa phương trên cả nước đã có thông báo chính thức về mức học phí đối với các trường công lập trong năm học 2021-2022. Theo đó, các trường, địa phương đã thống nhất không tăng học phí như dự kiến. Mới đây nhất, TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Lào Cai đã có thông báo về việc không thực hiện điều chỉnh tăng mức học phí đối với các trường công lập trên địa bàn trong năm học tới.
                
   

Nhiều địa phương đã có thông báo chính thức không tăng học phí trường công lập năm học 2021-2022 để hỗ trợ HS. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Hiện, Chính phủ quy định vềvấn đề thu học phí các bậc họctại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, tuy nhiên Nghị định này hết hiệu lực khi năm học 2020-2021 kết thúc. Bộ GD&ĐT đã phối hợp các Bộ, ngành cũng như lấy ý kiến rộng rãi các địa phương, các cơ sở giáo dục trên cả nước để hoàn thiện Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.

Tại Dự thảo Nghị định này, Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021; đồng thời, Bộ cũng có văn bản gửi các địa phương, cơ quan chủ quản của các trường đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc không tăng học phí trong năm học 2021-2022.

Theo ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT), việc giữ nguyên mức học phí nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và HS, SV.

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Văn bản hướng dẫn mức thu học phí năm học 2021-2022.Theo đó, Bộ đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở GDNN thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức học phí của năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, việc giữ ổn định mức học phí nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, HS, SV do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Đồng thời để giữ ổn định trong khi chờ Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP được ban hành.

Cũng theo ông Dũng, ngoài giải pháp hỗ trợ là không tăng học phí, để chia sẻ khó khăn với HS, SV trường nghề, Tổng cục GDNN cũng đã tham mưu với Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp thiết thực để hỗ trợ người học. Trong đó có phương án hỗ trợ 2 triệu đồng/HS, SV học GDNN tại các địa phương có dịch phải thực hiện giãn cách xã hội để giúp các em trang trải chi phí học tập.

Hành động thiết thực, ý nghĩa đến từ cơ sở

Quan tâm đến người học, không để người học phải dang dở việc học do gặp khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều cơ sở giáo dục đại học (ĐH) đã kịp thời triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực đối với người học.
                
   

ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ hỗ trợ SV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện đang ở lại Hà Nội. Ảnh: N.LỘC

   

Mới đây, Phó Giám đốc Thường trực ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải đã kí công văn về việc tăng cường công tác chăm sóc, hỗ trợ SV gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Theo đó, các đơn vị sẽ rà soát, thống kê số lượng SV của đơn vị (gồm cả SV Việt Nam và quốc tế) có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện đang ở lại Hà Nội để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ kịp thời (cấp nhu yếu phẩm, hỗ trợ tài chính, miễn giảm học phí...) nhằm giúp SV vượt qua khó khăn hiện nay.

Tương tự, nhiều trường ĐH của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức các gói hỗ trợ SV đang học tại trường và tân SV gặp khó do dịch Covid-19. Cụ thể, Trường ĐH Quốc tế đã dành hơn 32 tỷ đồng cấp các suất học bổng toàn phần và bán phần cho SV.

Trường ĐH Kinh tế - Luật trao tiền hỗ trợ cho hơn 100 SV gặp khó khăn do dịch bệnh. Đây là các SV ở địa phương là vùng dịch hoặc không có phương tiện để về quê nên phải tiếp tục ở lại TP. Hồ Chí Minh; SV thuộc đối tượng cách ly tập trung, cách ly tại nhà, trong khu vực giãn cách tại TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương.
                
   

Trường ĐH Mở Hà Nội tiếp tục hỗ trợ cho SV gặp khó khăn do dịch bệnh. Ảnh: N.LỘC

   

Trường ĐH Mở Hà Nội cũng quyết định dành 1 tỷ đồng để hỗ trợ SV có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo TS. Nguyễn Minh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, không dừng lại ở việc hỗ trợ 50% học phí cho SV, nhà trường đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát những SV hoàn cảnh khó khăn để kịp thời đề xuất hỗ trợ. Quan điểm là, không để SV nào phải dừng học vì vấn đề kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh.

GS,TS. Nguyễn Trung Việt - Hiệu trưởng Trường ĐH Thuỷ Lợi (Hà Nội) đã ký thông báo chính sách hỗ trợ SV trong bối cảnh dịch bệnh. Theo đó, đối với SV trong toàn trường: Lùi thời hạn thu học phí học kỳ 2 năm học 2020-2021 căn cứ theo diễn biến tình hình dịch.

Những SV bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 sẽ được phân loại để hỗ trợ phù hợp. Căn cứ vào hoàn cảnh và mức độ ảnh hưởng về kinh tế, SV có thể được nhận các mức hỗ trợ khác nhau, trong đó SV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thể được hỗ trợ tối đa bằng 100% học phí của học kỳ 2 (2020-2021) mà SV phải nộp.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Chia sẻ khó khăn với người học trong dịch bệnh: Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn