Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến 2030, tầm nhìn đến 2045

(BKTO) - Việt Nam đặt mục tiêu: Giai đoạn 2021-2030, giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9 - 9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15 - 15,5% vào GDP cả nước...



                
   

Ảnh minh họa. Ảnh: HỒNG NHUNG

   

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định 1163/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2030, giá trị tăng thêm thương mại trong nước đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9 - 9,5%/năm; đến năm 2030 đóng góp khoảng 15 - 15,5% vào GDP cả nước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) đạt tốc độ tăng bình quân 13 - 13,5%/năm.

Đến năm 2030, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 10,5 - 11% thương mại bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nền kinh tế, đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 20 - 21%/năm; phấn đấu đạt trên 40 - 45% số DN nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước...

Định hướng chủ yếu phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước; củng cố, thiết lập trật tự thị trường thích ứng với bối cảnh, tình hình mới, từng bước phát triển thương mại trong nước ổn định và bền vững, duy trì tốc độ tăng trưởng thương mại trong nước cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; tăng dần tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực thương mại trong nước vào khu vực dịch vụ và GDP của cả nước.

Phát triển đa dạng phương thức và hình thức tổ chức kinh doanh thương mại trong nước; tổ chức và vận hành hiệu quả các hệ thống cung ứng, phân phối các nhóm hàng hóa chủ yếu trên thị trường; tiếp tục phát triển các DN đầu đàn trong nước có khả năng dẫn dắt thị trường; tăng cường kết nối, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, các hệ sinh thái toàn cầu và khu vực.

Phát triển thương mại điện tử trở thành hình thức thương mại chủ đạo, hoàn thiện hạ tầng pháp lý để khai thác có hiệu quả hơn xu hướng số hóa với sự phát triển của phương thức thanh toán điện tử và các công cụ thanh toán mới, không dùng tiền mặt; tăng cường đầu tư, phát triển công nghệ, kết nối hạ tầng, đầu tư cho công nghệ thông tin.

Xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại trong nước đồng bộ, hiện đại và bền vững; tập trung ưu tiên các loại hình hạ tầng thương mại có tính lan tỏa, có tác động đáng kể hỗ trợ sản xuất lưu thông. Đặc biệt chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng thương mại khu vực nông thôn; tập trung hình thành được một hệ thống trung tâm logistics cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao, ưu tiên xây dựng một số trung tâm logistics lớn ở các vùng kinh tế trọng điểm làm động lực cho các chuỗi cung ứng của Việt Nam.

Phát triển đa dạng các loại hình DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại trong nước; khuyến khích DN, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; tiếp tục hỗ trợ hình thành các tập đoàn/DN lớn trong lĩnh vực phân phối (chủ yếu là DN nội địa, bao gồm cả DN FDI); tập trung tháo gỡ khó khăn, xây dựng và thực hiện các chính sách để hỗ trợ hiệu quả cho các DN, các chủ thể tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa...

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển thương mại trong nước bao gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và quản lý hoạt động thương mại theo cam kết quốc tế; gia tăng cầu tiêu dùng cuối cùng trong nước, phát triển DN phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa; phát triển thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa…/.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Chiến lược phát triển thương mại trong nước đến 2030, tầm nhìn đến 2045