Phát biểu khai mạc Diễn đàn, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, trong những năm tới đây, nền kinh tế của Việt Nam và thế giới sẽ phải chịu tác động bởi các xu thế quốc tế, già hoá dân số, cách mạng công nghiệp 4.0 và gia tăng tính kết nối khu vực hay chuyển dịch dữ liệu xuyên biên giới… Đặc biệt, kể từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 bùng phát đã tác động nặng nề lên nền kinh tế-xã hội toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, gây tổn thất nặng nề đến nhiều ngành nghề, thậm chí có thể kéo đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
TS. Võ Trí Thành (giữa) và các chuyên gia chủ trì Diễn đàn |
Vì vậy, Diễn đàn được tổ chức nhằm đưa ra những giải pháp phát triển bền vững cho các doanh nghiệp, ngành hàng Việt Nam phát huy năng lực cạnh tranh, nâng cao vị thế của doanh nghiệp, hoạch định những chiến lược phát triển thị trường và sản phẩm trong thời kỳ kinh tế khó khăn.
Tại đây, các diễn giả, đại diện doanh nghiệp đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp, gợi mở những chiến lược và đưa ra những chia sẻ để phát triển thị trường sản phẩm cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thập kỷ tới.
Ông Vũ Xuân Trường - Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - chia sẻ, doanh nghiệp phải coi thương hiệu là vũ khí cạnh tranh và thay đổi tư duy, có tầm nhìn mới về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần đưa ra các chiến lược thương hiệu kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, cũng như chú trọng phát triển các sản phẩm nội địa để phát huy rõ nét tinh thần “thương hiệu Việt”.
Đáng chú ý, tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kinh tế số và thương mại điện tử trong bối cảnh hiện nay. Bà Huyền cũng chia sẻ về tiềm năng của nền kinh tế số Việt Nam với quy mô cũng như tốc độ phát triển đang đứng Top đầu tại Đông Nam Á.
Chỉ ra những xu hướng mới, cơ hội cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên nền tảng kinh tế số, bà Huyền nhấn mạnh, thời kỳ trong và hậu COVID-19, việc doanh nghiệp lựa chọn giải pháp phát triển thương mại điện tử là điều tất yếu. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp chính là nguồn nhân lực. Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt số lượng lớn lao động có kỹ năng số, cùng với đó là nhiều kỹ năng không phù hợp gây gián đoạn việc phát triển kinh tế số.
Quang cảnh Diễn đàn |
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về các vấn đề và giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề lớn nhất được đưa ra là sự thiếu hụt cơ sở dữ liệu (database) trong mọi lĩnh vực dẫn đến công tác nghiên cứu, phát triển, đẩy mạnh nền kinh tế số gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó là các vấn đề: thị trường nông thôn chưa được nhiều doanh nghiệp Việt chú ý dù đây là khu vực rất tiềm năng trong tương lai; vấn đề bản quyền và định danh trong thương mại điện tử; vấn đề sở hữu trí tuệ…
Bế mạc Diễn đàn, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ không chỉ là ứng dụng các công cụ mà quan trọng hơn cả là phải phát huy được trí tuệ con người, tăng cường đổi mới, sáng tạo… Công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh tại thị trường nội địa, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và nâng tầm thị trường sản phẩm Việt Nam ngày càng vững mạnh trên thị trường quốc tế.
Tin và ảnh: KHÁNH LINH