Việt Nam hướng tới mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng nhanh, bền vững. Ảnh: TTXVN |
Tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chưa bền vững
Sau 10 năm thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2011-2020, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước.
Theo Bộ Công Thương, trong thời kỳ 2011-2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,7 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020.
Về quy mô xuất khẩu, nếu như năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam ở vị trí thứ 41 thì đến năm 2015 đã vươn lên vị trí thứ 32 và đến năm 2020 đã đạt vị trí thứ 22 của thế giới.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 đã vươn lên vị trí 19 thế giới so với vị trí 33 của năm 2011 và từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn ở vị thế xuất siêu.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 có thể đạt khoảng 368 tỷ USD, tăng khoảng 9,46% so với năm 2021, vượt mục tiêu Chính phủ giao.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tuy đạt cao nhưng chưa bền vững. Minh chứng là chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu còn chậm; tỷ trọng xuất khẩu lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý.
Đặc biệt, nền kinh tế chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao.
Nhận thấy rõ những hạn chế, bất cập này, trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt đã nêu rõ mục tiêu: xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Sản xuất xanh tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế
Thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Bộ Công Thương xác định phải tập trung phát triển các mô hình tăng trưởng xanh, công nghiệp sinh thái, phát triển năng lượng tái tạo, ưu tiên thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… - bà Nguyễn Thuý Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết.
Xu hướng này sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu - bà Nicole Wyrsch, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nhận định.
Ứng dụng công nghệ hướng tới sản xuất xanh, bền vững. Ảnh minh họa: VGP |
Bà Pamela Coke-Hamilton - Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại quốc tế cũng cho rằng, việc hoàn thiện các chiến lược ngành và lĩnh vực cần phải được đặt lên hàng đầu, tiếp theo là triển khai các khuyến nghị cải cách nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và tạo ra việc làm trong những ngành tiềm năng.
Chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Sĩ, bà Nicole Wyrsch cho biết, Thụy Sĩ sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy các tiêu chuẩn bền vững, giảm thiểu phát thải carbon trong sản xuất; xúc tiến thương mại số cũng như tuân thủ các quy tắc thương mại.
Để lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh với việc thực hiện các cam kết thương mại quốc tế, phải bám sát vào các chính sách thương mại - PGS,TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nêu quan điểm.
Theo đó, chính sách thương mại phải hướng tới phát triển mặt hàng và thị trường. Về thị trường, cần phải thúc đẩy, mở rộng khả năng xâm nhập thị trường; tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ các ngành hàng mới, đặc biệt là các ngành kinh tế xanh, tăng trưởng xanh.
Về mặt hàng, hiện nay, thị trường thế giới đang tiến rất nhanh trong việc chuyển đổi xanh. Vì vậy, Việt Nam cần rà soát lại các mặt hàng, ban hành các chính sách phù hợp với các xu hướng mới để thúc đẩy thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp xanh, sạch đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh.
Nhìn từ một góc độ khác, PGS,TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, tất cả các nền kinh tế muốn hội nhập vào thế giới không thể thiếu chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại toàn cầu.
Vì vậy, Chính phủ cần tạo ra thị trường cho kinh tế số phát triển và thông qua cạnh tranh để tạo ra các doanh nghiệp vững mạnh, làm ăn tốt, từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển.
Về phía các doanh nghiệp, song song với việc nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu của thị trường, cần phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư các phần mềm, trang thiết bị, nhân lực để triển khai thực hiện chuyển đổi số, tạo điểm tựa gia tăng lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm.
Việt Nam đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa thời kỳ 2021-2030 bình quân đạt 6-7%/năm; tập trung tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu chiếm 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030, trong đó tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030./. |
PHÚC KHANG