Chiến thắng Điện Biên Phủ: Biểu tượng của sức mạnh Việt Nam

(BKTO) - Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; đồng thời khẳng định vai trò to lớn, tài thao lược của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.

1(2).jpeg
Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954; đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đỉnh cao của nghệ thuật quân sự

Cách đây 70 năm (ngày 13/3/1954), dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch, các lực lượng vũ trang cách mạng đã nổ súng, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trải qua 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non...” Chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc toàn thắng. Chiến công vô cùng oanh liệt đó đã góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. "Chín năm làm một Điện Biên, Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng", Điện Biên Phủ không chỉ đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa của thế kỷ XX, mà còn đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.

Nhiều ý kiến khẳng định, Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện trên cả ba lĩnh vực: Chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, mà đặc điểm nổi bật là sự chủ động, sáng tạo, đánh theo cách đánh mà ta lựa chọn, buộc quân địch phải bị động đối phó, hạn chế chỗ mạnh của chúng về quân số, hỏa lực mạnh, sức cơ động cao.

Đại tá, TS. Nguyễn Văn Trường - Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (Học viện Chính trị) - cho rằng, quyết định lịch sử mở Chiến dịch Điện Biên Phủ để lại cho cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý, đó là: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; kịp thời nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ, chỉ đạo chiến lược kiên quyết, nhạy bén, sắc sảo nhằm tập trung sức mạnh cả nước để giành thắng lợi.

“Những bài học kinh nghiệm ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong các chặng đường cách mạng tiếp theo, cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay” - Đại tá Nguyễn Văn Trường chia sẻ.

2(1).jpeg
Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, bảo đảm hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Khẳng định Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, Thiếu tướng, TS. Trần Minh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng - nhấn mạnh, chiến thắng vang dội của Chiến dịch cũng thể hiện rõ nét những yếu tố đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là: Nghệ thuật chỉ đạo và tiến hành chiến tranh nhân dân; nghệ thuật tạo lập và chuyển hóa thế trận; nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch, thay đổi phương châm tác chiến.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng trưởng thành.

Tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Theo PGS, TS. Trần Thị Minh Tuyết - giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã làm nên những kỳ tích của thế kỷ XX; trong đó, Chiến thắng Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi. Nguyên nhân của thắng lợi đã được nhìn nhận khác nhau nhưng vai trò quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều không thể phủ nhận. Con người ấy không chỉ mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc mà còn tạo lập nên những chiến công mang tầm thời đại và Chiến thắng Điện Biên Phủ là minh chứng điển hình.

3.jpeg
Chiều 07/5/1954, Lá cờ "Quyết chiến Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Tư liệu TTXVN

70 năm trôi qua, nhưng tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn ngời sáng, làm thức dậy trong mỗi con người Việt Nam lòng tự hào, niềm tin và trách nhiệm với vận mệnh Tổ quốc. Vì thế, đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với dân tộc và nhân loại không dừng ở những kỳ tích mà Người đã tạo lập trong thế kỷ XX mà còn ở sức sống, khả năng soi chiếu, dẫn dắt để Việt Nam và các dân tộc khác trên thế giới đi đến mục tiêu hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như mong ước của Người.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử cũng nhìn nhận, Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa mang ý nghĩa lịch sử to lớn, vừa mang tầm thời đại sâu sắc, để lại nhiều bài học có giá trị to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đặc biệt, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mãi là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Phát huy giá trị được đúc kết từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta nhất quán xác định đoàn kết là giá trị cốt lõi trong truyền thống quý báu của dân tộc và đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là bài học quan trọng hàng đầu, quyết định đến việc xây dựng thành công chiến lược đại đoàn kết toàn dân, tăng cường, củng cố “thế trận lòng dân” trong thời kỳ đổi mới.

Thực tiễn thành tựu của gần 40 năm đổi mới đã minh chứng: Chỉ có quy tụ, tập hợp được “lòng dân”, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, chúng ta mới khơi dậy, quy tụ được lòng yêu nước, ý chí quyết tâm cao của toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc…”.

4(2).jpg
Từ một bãi chiến trường đổ nát, hoang tàn Điện Biên Phủ hôm nay khoác lên mình tấm áo mới đẹp đẽ, khang trang. Ảnh: ST

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, tinh thần, giá trị Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trở thành động lực mạnh mẽ để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phấn đấu xây dựng đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, từng bước nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.

Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn, quân ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong tháng 4/1954, quân ta đã đồng loạt tiến công các cứ điểm, thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ. Từ ngày 01- 07/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của địch, báo hiệu Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Cùng chuyên mục
  • Quyền Chủ tịch nước tiếp Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 27/3, tại Phủ Chủ tịch, bà Võ Thị Ánh Xuân, Quyền Chủ tịch nước, đã có buổi tiếp bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhân dịp bà Turk kết thúc nhiệm kỳ làm việc tại Việt Nam. Quyền Chủ tịch nước đã chúc mừng Giám đốc Turk về một nhiệm kỳ thành công, đồng thời bày tỏ sự đánh giá cao với những đóng góp của WB trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo và đang phát triển.
  • Sức mạnh từ sự tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Thực tế lịch sử hơn 94 năm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh sự tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên là một phương thức tốt nhất để Đảng lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng xác định quần chúng nhân dân chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức và muốn hướng dẫn nhân dân thì cán bộ, đảng viên phải luôn “làm mực thước cho người ta bắt chước”.
  • Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội XIV của Đảng
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Chiều 26/3, tại trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng - chủ trì phiên họp thứ hai của Tiểu ban.
  • Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy của Liên bang Nga
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Ngày 26/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.
  • Thanh niên cần thực hiện “5 xung kích”, “6 khát vọng” trong chuyển đổi số
    một tháng trước Chính trị
    (BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị thanh niên cần thực hiện "5 xung kích", "6 khát vọng", là lực lượng xung kích, nòng cốt, giương cao ngọn cờ tiên phong, tình nguyện đi đầu, làm chủ công cuộc chuyển đổi số và phát triển Việt Nam sớm trở thành quốc gia số.
Chiến thắng Điện Biên Phủ: Biểu tượng của sức mạnh Việt Nam